Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành này trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 19% so với thời điểm bình ổn trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, bước qua năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ngành này "quay đầu", sụt giảm đến 34% so với thời điểm bình ổn.
Thu mua, vật tư và cung vận. Nhu cầu tuyển dụng lao động lĩnh vực này trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ (3%) so thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, lĩnh vực này lại ghi nhận giảm đến 25% nhu cầu tuyển dụng so với thời điểm được xem là bình ổn của thị trường vào năm 2019.
Công nghệ thông tin. Giai đoạn giãn cách xã hội là thời điểm bùng nổ phát triển của ngành này, nhu cầu nhân lực có sự tăng trưởng rõ rệt. 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực này tăng 10% so với giai đoạn trước dịch.
Tuy nhiên, khi thị trường Việt Nam trải qua ảnh hưởng của suy thoái từ biến động kinh tế thế giới, nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực này giảm 20% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Xuất nhập khẩu. 4 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực này chỉ giảm nhẹ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự (1%) so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch. Tuy nhiên, đến giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực này lại ghi nhận sự giảm sút nhu cầu tuyển dụng nhân sự lên đến 18% so với giai đoạn ổn định trước dịch.
Ngành vận tải và logistics cũng giảm đến 22% so với giai đoạn trước dịch
Vận tải và logistics. 4 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực này phục hồi tích cực sau COVID-19, nhu cầu tuyển dụng tăng đến 5% so với mức bình ổn của cùng kỳ trước dịch. 4 tháng đầu năm, nhu cầu này sụt giảm mạnh mẽ, tỷ lệ giảm đến 22% so với giai đoạn trước dịch.
Pháp lý và hành chính. Nhóm ngành này trải qua sự giảm sút đáng kể về nhu cầu tuyển dụng từ khi xuất hiện dịch COVID-19. Trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của thị trường sau dịch năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn thấp hơn 18% so với giai đoạn bình ổn trước dịch. Sang giai đoạn đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn thấp hơn giai đoạn bình ổn trước dịch đến 31%.
Marketing. Nhu cầu tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2022 của ngành này chỉ thấp hơn so với giai đoạn bình ổn trước dịch 3%. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023 lại cho thấy sự sụt giảm lên tới 28% của ngành này so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Nguyên nhân là do thị trường trải qua biến động về kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hoạt động kinh doanh giảm sút, các công ty điều chỉnh lại bộ máy qua việc cắt giảm các bộ phận không trực tiếp tạo ra lợi nhuận.
Bán hàng và chăm sóc khách hàng. So với giai đoạn thị trường đang bình ổn trước dịch COVID-19, nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm 2022 của nhóm ngành này giảm sút đến 21% do ảnh hưởng của dịch. 4 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn duy trì ở mức thấp, giảm 23% so với giai đoạn trước dịch.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho hay, tính đến ngày 26/5, thống kê báo cáo chính thức, số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng và nhiều yếu tố khác là khoảng 506.000, trong đó 270.000 lao động mất việc hẳn.
Trả lời chất vấn một số đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động toàn quốc rất lớn, vừa qua có ghi nhận tình trạng thiếu việc làm, nhưng chúng ta vẫn ở mức thấp so với tình hình kinh tế chung của thế giới.
“Bình quân tỉ lệ thất nghiệp quý 1/2023 là 2,25%. Cách đây khoảng 1 năm, tại Diễn đàn kinh tế thế giới xếp ta vào top 5 vào tỉ lệ thất nghiệp, nhưng thời điểm này chúng ta cải thiện hơn. Song, tình trạng giảm việc làm này không phải riêng chúng ta. So với thế giới, Việt Nam vẫn thuộc ngưỡng thấp so với các quốc gia”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 26/5, thống kê báo cáo chính thức, số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng và nhiều yếu tố khác là khoảng 506.000, trong đó 270.000 lao động mất việc hẳn.