Nu hương được ví đắt như kim cương. Ảnh: Gỗ nghệ thuật
Trong dân gian có câu "tấc giáng hương tấc vàng", điều này phản ánh rằng loại cây gỗ này rất quý hiếm, lại vô cùng đắt đỏ. Theo trang mạng zhuanlan.zhihu (Trung Quốc), ngay từ khi gỗ giáng hương du nhập vào Trung Quốc, nó đã rất được coi trọng.
Dữ liệu lịch sử cho thấy trong một thời gian dài, giá gỗ giáng hương luôn cao hơn gỗ Hoàng hoa lê. Ví dụ gỗ giáng hương có giá 1 đồng bạc/kg, trong khi gỗ Hoàng hoa lê (bao gồm cả Hoàng hoa lê Hải Nam) chỉ có giá 4 xu.
Lý do là bởi gỗ giáng hương rất đặc biệt, nó có màu sắc đẹp, kết cấu độc đáo, được xem là "kho báu của thiên nhiên". Gỗ giáng hương rất nặng và chắc, độ cứng đứng đầu trong các loại gỗ, nhưng tốc độ phát triển chậm, có khi phải đợi tới 800 năm mới đủ độ phát triển để sử dụng.
Ngoài ra, loài cây gỗ này hiện có được xếp vào danh mục cấm khai thác. Do đó, theo zhuanlan.zhihu, việc gỗ giáng hương vượt qua Hoàng hoa lê là điều tất yếu.
Đáng nói, phần dị tật trên thân gỗ giáng hương cũng rất đáng giá. Nó được gọi là gỗ nu (hay gỗ nu hương), được hình thành do những tác động vật lý (hoặc bị công trùng/vi sinh vật tấn công) vào thân cây trong quá trình sinh trưởng gây nên.
Do đặc điểm sinh lý, khi phải chịu những tổn thương này, cây giáng hương sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất và không khí rồi dồn một lượng lớn vào chỗ bị thương, làm cho vị trí đó phát triển khác thường, thậm chí dị dạng so với những nơi khác trên thân cây, đôi lúc trông như một "cục bướu".
Độ lớn của cục bướu này sẽ phụ thuộc vào cách cây hấp thụ dưỡng chất và thời gian sinh trưởng nhưng phần lớn thì phần bướu sẽ có đường kính lớn hơn thân cây chủ.
Nếu trong các loại đá quý, kim cương là thứ đắt giá nhất thì trong các loại gỗ, gỗ nu cũng đồng thời là thứ đắt giá nhất, dù nó chỉ là một phần dị dạng xấu xí của cây.
Cây gỗ giáng hương cổ thụ ngàn năm tuổi ở Yuk Kla. Ảnh: Gia đình & Xã hội
Trước đó, theo Dân Trí, bộ bàn ghế được chế tác từ gốc cây gỗ nu rừng của một nghệ nhân người Thái Bình từng được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng và đã gây sốt tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội vào tháng 8/2016.
Năm 2017, theo ghi nhận của báo Gia đình & Xã hội, một cây gỗ giáng hương cổ thụ ngàn năm tuổi tích tụ sinh khí đất trời ở thôn Yuk Kla (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk) được xem là "báu vật ngàn năm".
Cây gỗ này sau đó đã được cấp phép cho ông Văn Tiến Hùng - một người có thâm niên lâu năm trong nghề khai thác gỗ - di dời tới phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa.
Vừa chuyển về đến phường Tân Sơn, ông đã được hàng trăm chủ gỗ tên tuổi ở các tỉnh thành chào đón, ngã giá để mua lại cây. Ông Sơn cho biết, thậm chí có những đại gia trả giá 1 triệu USD để lấy cả cây nhưng ông đều khước từ không bán.
Theo một số chuyên gia phong thủy, cây này vốn dĩ đã tích tụ linh khí của núi rừng trên 1000 năm, người muốn sở hữu phải hợp mệnh, hợp duyên và tôn vinh đúng được giá trị của báu vật này.