Khoa học - công nghệ

Việt Nam mạnh dạn xây dựng luật cho chuyển đổi số

24/07/2025 21:29

Bộ KH&CN đang được giao xây dựng Luật Chuyển đổi số – một đạo luật rất mới, rất khó, thậm chí chưa có tiền lệ trên thế giới. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn, Việt Nam mạnh dạn xây dựng luật này, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Việt Nam mạnh dạn xây dựng luật cho chuyển đổi số- Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đức Long nhấn mạnh điều này tại Tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối 'sống còn' giữa hai cấp chính quyền địa phương" do Cổng TTTĐT Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức, ngày 24/7.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng số như một yếu tố then chốt để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngay từ 7/4, Bộ KH&CN đã ban hành hướng dẫn chi tiết cho 63 tỉnh, thành phố về quy trình nâng cấp hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và điều hành chính quyền địa phương. Bộ cũng phối hợp với UBND TPHCM thí điểm nâng cấp 5 hệ thống thông tin, bởi đây là địa phương sát nhập 3 tỉnh có quy mô lớn, có cấu trúc hệ thống thông tin phức tạp.

Từ kết quả thí điểm, ngày 16/6, Bộ tổ chức tập huấn đồng bộ cho toàn bộ 63 địa phương. Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Nghị quyết 57 cũng được triển khai quyết liệt với 5 phiên họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì, nhằm bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức bộ máy.

Cùng với đó, các bộ, ngành được yêu cầu công khai toàn bộ thủ tục hành chính theo đúng tinh thần phân cấp, phân quyền. Bộ KH&CN cũng chỉ đạo phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số triển khai cấu hình hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật đến tận cấp xã; đồng thời, huy động lực lượng hỗ trợ từ các doanh nghiệp bưu chính (VNPost, Viettel Post)...

Với những nỗ lực đó, từ ngày 1/7, khi cả nước chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính, điều hành chính quyền và hội nghị truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã vận hành tương đối trơn tru.

Mặc dù kết quả bước đầu đạt được là đáng ghi nhận, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện. Bộ KH&CN đã thành lập tổ liên ngành khảo sát thực tế tại 4 địa phương, làm việc với hơn 11 xã, phường và bước đầu xác định 25 nhóm vấn đề.

“Thực ra các vấn đề không lớn, nhưng do thời gian gấp rút, quá trình chuyển đổi chưa có đủ thời gian chuẩn bị”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay.

Một số vướng mắc như: Cấu hình thủ tục hành chính chưa hoàn chỉnh; quy trình nội bộ thiếu đồng bộ; biểu mẫu điện tử chưa chuẩn xác; cơ sở vật chất sau sáp nhập chưa phù hợp; thiếu nhân lực có chuyên môn ở cấp xã; dữ liệu chưa kết nối đồng bộ; chữ ký số chưa đầy đủ…

Bộ KH&CN đã báo cáo Chính phủ và đưa nội dung này vào sơ kết 6 tháng của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, khoa học công nghệ và Đề án 06 (ngày 21/7). Trong tuần này, Bộ tiếp tục tham mưu Thủ tướng tổ chức họp để phân công trách nhiệm và xây dựng lộ trình xử lý các vấn đề trên.

Việt Nam mạnh dạn xây dựng luật cho chuyển đổi số- Ảnh 2.
Tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối 'sống còn' giữa hai cấp chính quyền địa phương" - Ảnh: VGP

Ba điều kiện then chốt cho chuyển đổi số

Từ thực tiễn triển khai, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long nhấn mạnh 3 trụ cột tiên quyết cho chuyển đổi số.

Trong đó, thể chế phải "đi trước mở đường". Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ, mà là sự thay đổi căn bản trong mô hình quản trị và hoạt động. Do đó, thể chế cần được thiết kế trước để dẫn dắt.

Việc Quốc hội vừa thông qua 5 luật mới trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Luật KHCN và đổi mới sáng tạo có quy định về cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox), chính là một bước tiến mạnh mẽ.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ KH&CN đang được giao nhiệm vụ xây dựng Luật Chuyển đổi số. Đây là một luật rất khó, mới, trên thế giới chưa có.

"Nhưng trước nhu cầu, sự cần thiết phải có một hành lang pháp lý chuyển đổi số, chúng ta mạnh dạn xây dựng luật về chuyển đổi số này. Điều này sẽ tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của đất nước", Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ.

Về hạ tầng, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, 2 yếu tố cần đặc biệt quan tâm là dữ liệu và nền tảng dùng chung. Trong đó, dữ liệu phải “đúng – đủ – sạch – sống – chia sẻ được” và được kết nối, khai thác đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở. Kế hoạch 02 đã đặt mục tiêu đến cuối 2025 xây dựng 12 cơ sở dữ liệu trọng yếu, 116 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, đồng thời triển khai 1.139 thủ tục hành chính sử dụng dữ liệu thay thế hồ sơ giấy.

"Nếu không có dữ liệu và dữ liệu đó không được chia sẻ cho các địa phương, các xã thì chúng ta không thể giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân được", Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay.

Đối với nền tảng số dùng chung, hiện nay, Bộ KH&CN đã ban hành 55 nền tảng. Các bộ, ngành có trách nhiệm triển khai để địa phương sử dụng, tránh tình trạng đầu tư trùng lặp, lãng phí.

Về vấn đề nhân lực,Tổng Bí thư đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Theo Thứ trưởng, cần hiểu học vụ số giống như một ngôn ngữ thứ ba, ngoài ngôn ngữ tiếng Việt, ngoài ngoại ngữ tiếng Anh.

"Trong dự thảo Luật Chuyển đổi số tới đây, chúng tôi sẽ đưa ngôn ngữ thứ ba này vào các chương trình giáo dục đào tạo bắt buộc để chuẩn bị cho các thế hệ tương lai và người dân. Khi người dân tương tác với máy như một ngôn ngữ thì chúng ta mới thành thục, mới thực sự lên được môi trường số và sáng tạo trên đó, bên cạnh việc đào tạo kỹ năng số", Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay.

Để thực sự đạt được thành công trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã nhấn mạnh 3 kinh nghiệm quan trọng.

Thứ nhất, người đứng đầu phải là nhân tố quyết định. Không thể có chuyển đổi số thực chất nếu người đứng đầu không trực tiếp sử dụng, chỉ đạo, giám sát quá trình chuyển đổi. Nghị quyết 57 đã khẳng định vai trò này gắn liền với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt.

Thứ hai, dữ liệu. Dữ liệu là nền tảng. Các bộ, ngành, địa phương cần bảo đảm dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống" và đặc biệt là "có thể chia sẻ được". Dữ liệu phải đạt 100%, vì chỉ cần thiếu vài phần trăm cũng sẽ khiến hệ thống không thể triển khai được quy trình trực tuyến toàn trình. Nguyên tắc là người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp dữ liệu một lần, sau đó hệ thống phải có khả năng tái sử dụng, tránh tình trạng cập nhật đi cập nhật lại nhiều lần.

Thứ ba, chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi liên tục, liên tục cập nhật và phát triển. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ trong triển khai mà cả trong vận hành và cải tiến. Chỉ khi chúng ta nhận thức đúng như vậy thì chuyển đổi số mới thực sự đi vào thực tiễn, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả.

    Theo baochinhphu.vn
    https://baochinhphu.vn/viet-nam-manh-dan-xay-dung-luat-cho-chuyen-doi-so-102250724182852289.htm
    Copy Link
    https://baochinhphu.vn/viet-nam-manh-dan-xay-dung-luat-cho-chuyen-doi-so-102250724182852289.htm
    Bài liên quan
    Khởi động Giải thưởng báo chí về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 2025
    Bộ KH&CN chính thức phát động Giải thưởng báo chí về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2025. Lần đầu tiên, Giải thưởng mở rộng phạm vi xét tặng đến các cá nhân, tổ chức nước ngoài có tác phẩm báo chí được đăng tải trên báo chí Việt Nam.

    (0) Bình luận
    Nổi bật Giáo dục thủ đô
    Đừng bỏ lỡ
    Mới nhất
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
    Việt Nam mạnh dạn xây dựng luật cho chuyển đổi số