Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị cấp phép sử dụng vắc xin tại EU, vaccine QDENGA đã được duyệt sử dụng cho độ tuổi từ 4 tuổi không phân biệt người đã từng nhiễm bệnh hay chưa.
Tại Việt Nam, vắc xin TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành.
Tại buổi lễ ký kết, Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, sự hợp tác giữa Takeda và VNVC sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. “Chúng tôi hy vọng người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vắc xin phòng bệnh SXH trong thời gian sớm nhất”, ông Quang nói.
PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hy vọng Việt Nam sẽ sớm có vắc xin phòng bệnh SXH. Khi đó, vắc xin sẽ giúp giảm số ca mắc và tử vong do bệnh gây ra, góp phần đẩy lùi dịch bệnh một cách bền vững tại Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc SXH, trong đó 24 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, tổng số ca mắc SXH của thành phố là 12.776 ca (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).
Hiện tại, Việt Nam chưa có vắc xin phòng SXH.