Trong khi đó, theo VKS, bị cáo Hữu có các tình tiết giảm nhẹ mới tại cấp phúc thẩm như: đi bộ đội tại chiến trường Campuchia, nộp phạt tiền phạt bổ sung 100 triệu đồng, bị cáo xin nộp thêm 2 tỉ tiền thu lợi bất chính.
Bị cáo Hữu cũng đã nộp hơn 101 tỉ số tiền thu lợi bất chính. Bị cáo đồng ý chuyển toàn bộ tiền bị thu giữ gồm 123.000 USD, 6 quyền sử dụng đất đã bị kê biên… vào tiền thu lợi bất chính chưa nộp.
Ngoài ra, tại tòa, con của bị cáo Hữu là bị cáo Phan Lê Hoàng Anh đã rút kháng cáo về việc đề nghị nhận lại số tiền 19,5 tỉ đồng trong ba tài khoản ngân hàng (hiện đang bị phong tỏa). Bị cáo Anh đồng ý nộp số tiền trên để khắc phục hậu quả cho cha mình.
“Bị cáo tự nguyện và khắc phục hầu như toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Hữu, từ 1-2 năm tù”, đại diện VKS nói.
Cũng theo VKS, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh chỉ làm theo chỉ đạo của cha, không nhận tiền thu lợi bất chính và tại tòa cũng đã rút kháng cáo đề nghị nhận lại số tiền 19,5 tỉ đồng nêu trên, do đó, VKS đã rút kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo này (cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Anh ba năm sáu tháng tù).
VKS cũng phát biểu quan điểm và đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo đã được rút kháng nghị…
Xử sơ thẩm vào đầu tháng 12-2022, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với Phan Thanh Hữu và 73 bị cáo trong đường dây này.
Cụ thể, tòa tuyên bị cáo Viễn 17 năm tù, Hữu 16 năm tù cùng về tội buôn lậu. Đây là hai "ông trùm" góp vốn mua tàu sang Singapore lấy xăng lậu về Việt Nam tiêu thụ. Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy bị phạt 15 năm tù về tội nhận hối lộ.