Theo Trưởng phòng Nội vụ, Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng hiện có 3 giáo viên Tiếng Anh nhưng thực tế vẫn cần nhiều hơn 4 giáo viên. Vì vậy, huyện điều chuyển bà P.T.H.T., giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Tiểu học Lê Lợi về trường này với mục đích tăng cường giáo viên Tiếng Anh cho buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trước. Sau đó, điều động, sắp xếp giáo viên khác cho Trường Tiểu học Lê Lợi.
Theo kế hoạch, huyện Buôn Đôn dự kiến tiếp nhận 1 giáo viên có trình độ Đại học Sư phạm tiếng Anh đang ở huyện Ea Súp để về thay vị trí của bà T. tại Trường Tiểu học Lê Lợi.
"Chúng tôi vội điều bà T. đi mà chưa được tiếp nhận giáo viên ở huyện Ea Súp về. Lỗi của tôi là vội quá. Nếu như để giáo viên ở huyện Ea Súp về Trường Tiểu học Lê Lợi rồi hãy chuyển bà T. đi thì mọi thứ đã không như ngày hôm nay" - ông Truyền nói.
Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn cũng cho biết, bà P.T.H.T. đã có đơn xin chuyển công tác ghi năm 2022 và có hồ sơ kèm theo gửi đến Phòng Nội vụ. "Sau khi kiểm tra lại, tôi thấy chưa có ý kiến của nhà trường. Chúng tôi có thiếu sót trong việc này" - ông Truyền thừa nhận.
Như Tiền Phong đưa tin, ngày 14/8, ông Phạm Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã ký quyết định điều chuyển bà P.T.H.T. (dạy Tiếng Anh) từ Trường Tiểu học Lê Lợi sang Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng, khiến trường Lê Lợi không có giáo viên Tiếng Anh.
Đáng nói, việc điều chuyển này, ông Phạm Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi không hề hay biết. Trường Tiểu học Lê Lợi đã kiến nghị cấp trên bố trí giáo viên dạy Tiếng Anh cho nhà trường theo quy định.
Để giải quyết tạm thời tình trạng "trắng" giáo viên Tiếng Anh, Hiệu trưởng Phạm Văn Cường đã thỏa thuận với một giáo viên dạy Tiếng Anh trên địa bàn huyện với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng để dạy tạm thời cho học sinh.
Sau khi dư luận xôn xao, ngày 20/9, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ký quyết định điều chuyển 1 giáo viên Tiếng Anh đang dạy hợp đồng từ Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ sang Trường Tiểu học Lê Lợi, thời gian nhận công tác từ ngày 25/9.