Lý do cụ thể được nêu tại Thư không phản đối ngày 30/6 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do “không có nhà thầu nào trong ba nhà thầu đáp ứng yêu cầu tại tiêu chí EQC 2.5.2: Kinh nghiệm xây dựng trong các hoạt động chính”: “Thi công tu bổ, phục hồi công trình đường bậc cấp đi bộ lên núi cao lớn hơn hoặc bằng 250m, mặt đường lát đá tự nhiên diện tích lớn hơn hoặc bằng 2.000m2”.
Giá trị gói thầu Số 15 (TIIGP2-VIE-W04) là 224 tỉ đồng. Trong lúc đó bậc cấp lên núi Thần Đinh (tiêu chí EQC 2.5.2) chưa đến 8 tỉ đồng, chỉ chiếm 3% giá trị gói thầu. Tuy nhiên, Chủ đầu tư lại đưa hạng mục này vào kinh nghiệm xây dựng các hoạt động chính để loại nhà thầu, là vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tiêu chí này theo khuyến nghị của ADB trong thư ngày 18/1/2023 là hạn chế nhà thầu, tuy nhiên bên mời thầu không tuân thủ và vẫn đưa vào E-HSMT để phát hành.
Theo chuyên gia này, tiêu chí EQC 2.5.2 trái với quy định tại Phụ lục 09 của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đây được xem là hành vi cài cắm, gây khó khăn, hạn chế sự tham gia của nhà thầu, theo đó, nội dung tiêu chí EQC 2.5.2 vi phạm Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, đương nhiên bị tuyên vô hiệu, nhà thầu không cần đáp ứng.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu áp dụng Thông tư 08, trong trường hợp gói thầu Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04), nhà thầu nào có giá thấp nhất và đáp ứng các tiêu chí khác ngoài tiêu chí EQC 2.5.2 vẫn còn cơ hội trung thầu.
Thư của ADB nhắc lại từng khuyến nghị về tiêu chí hạn chế nhà thầu EQC 2.5.2
Để được trúng thầu, nhà thầu nên gửi kiến nghị lên chủ đầu tư phản đối việc huỷ thầu, yêu cầu áp dụng Thông tư 08 để loại bỏ tiêu chí “tào lao” nói trên. Trong vòng 10 ngày, nếu Chủ đầu tư không phản hồi, nhà thầu có quyền phát văn bản lên cấp cao hơn là UBND tỉnh Quảng Bình để được giải quyết.