Hai báo cáo mật của Ukraine cho biết một số vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ dễ mất tác dụng khi bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu, một yếu tố dẫn đến những thất bại gần đây của Ukraine trên chiến trường.
Một đội pháo binh Ukraine bắn vào các vị trí của Nga ở khu vực phía bắc Kharkiv. (Ảnh: NYT)
Theo các chỉ huy Ukraine và một dự án nghiên cứu quân sự ở nước này, một số loại vũ khí dẫn đường chính xác do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine không còn hiệu quả trên chiến trường, vì độ chính xác của chúng bị giảm sút nghiêm trọng khi gặp phải thiết bị gây nhiễu của Nga.
Hai báo cáo mật của Ukraina cho biết, các loại đạn vũ khí này hoạt động tốt khi mới được đưa vào chiến trường, nhưng mất tác dụng khi lực lượng Nga điều chỉnh hệ thống phòng thủ của họ. Hai chỉ huy pháo binh cho biết, thực trạng này khiến quân đội Ukraine ngừng sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác. Theo Washington Post, báo cáo tập trung vào đạn pháo Excalibur 155mm do Mỹ sản xuất.
Mỗi cuộc chiến đều là nơi thử nghiệm các hệ thống vũ khí và Ukraine trở thành nơi kiểm tra hiệu quả của các loại vũ khí mà trước đây chưa từng được sử dụng để chống lại một đối thủ mạnh về công nghệ vũ khí như Nga.
Hiệu suất của vũ khí Mỹ và Nga được Lầu Năm Góc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cũng như Nga và Trung Quốc, theo dõi chặt chẽ, vì điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển vũ khí trong tương lai.
Các chỉ huy Ukraine cho biết, một số vũ khí phương Tây đã khiến họ phải trả giá bằng mạng sống.
Nga đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử xung quanh những mục tiêu tĩnh như trụ sở và trung tâm chỉ huy, những nơi có thể bị Ukraine tấn công bằng vũ khí chính xác. Thomas Withington, cộng tác viên tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia tại London và là chuyên gia về chiến tranh điện tử, cho biết các hệ thống này phát ra tín hiệu gây nhiễu nhiều đến mức làm át hết tín hiệu GPS dẫn đường, khiến Excalibur bay chệch mục tiêu.
Số liệu trong các báo cáo chứng minh những phát biểu của quan chức quân sự Ukraine trong vài tháng gần đây, trong đó có cựu Tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny, rằng một số tên lửa của phương Tây mang lại cho Ukraine ưu thế đáng kể trước lực lượng Nga, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Tướng Zaluzhny cho biết đạn pháo Excalibur là ví dụ điển hình về loại vũ khí phương Tây mất hiệu quả vì phụ thuộc vào hệ thống định vị GPS, vì thế dễ bị thiết bị của Nga gây nhiễu.
Các quan chức Ukraine và giới phân tích quân sự mô tả vấn đề tương tự với JDAM và HIMARS, cả hai đều dựa vào GPS.
Theo báo cáo, GLSDB là loại đạn chính xác có tầm bắn xa hơn Excalibur, do Boeing và công ty Saab của Thụy Điển hợp tác sản xuất, cũng bị cản trở bởi thiết bị tác chiến điện tử của Nga.
Ông Andrew Zagorodnyuk, giám đốc Trung tâm Chiến lược quốc phòng, một tổ chức nghiên cứu ở Kiev, cho biết quân đội Ukraine đã ngừng sử dụng GLSDB trên chiến trường.
Một quan chức của văn phòng điều hành báo chí thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington đã cung cấp hơn 7.000 quả đạn 155mm dẫn đường chính xác cho Ukraine kể từ tháng 2/2022, nhưng từ chối cho biết cụ thể.
Do một số vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ không còn hiệu quả nên Ukraine phải dựa vào đạn pháo không dẫn đường. (Ảnh: NYT)
Cách đối phó
Những người nắm được tình hình cho biết, quân đội Ukraine phải phản hồi các đối tác phương Tây về hiệu quả hoạt động của vũ khí của họ trước một cường quốc quân sự như Nga.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập số liệu về việc sử dụng gần 3.000 quả đạn Excalibur được hệ thống lựu pháo M777 của Mỹ bắn từ tháng 12/2022 – 8/2023 ở Kherson, Kharkiv và Bakhmut.
Báo cáo cho biết, tỷ lệ tấn công thành công giảm trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 8/2023, từ mức 55% xuống 7% vào tháng 7 và 6% vào tháng 8, những tháng mà chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine lên đỉnh điểm.
Một trong những người quen thuộc với báo cáo cho biết, có thời điểm chỉ 1 trong 19 quả đạn Excalibur bắn trúng mục tiêu. Với tỷ lệ đó, giá cho mỗi lần bắn tăng vọt từ 300.000 USD lên 1,9 triệu USD.
Không có gì lạ khi các hệ thống vũ khí mất đi hiệu quả trong chiến tranh, vì đối thủ có thể tìm ra cách đối phó.
Ở cự ly gần, cả quân đội Nga và Ukraine đều sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử di động để làm chệch hướng máy bay không người lái mang chất nổ, thiết bị sử dụng GPS để xác định mục tiêu.
Ông Michael Bohnert, một nhà nghiên cứu chuyên về tác chiến điện tử tại tổ chức nghiên cứu và tư vấn RAND, cho biết không phải không thể vô hiệu hoá thiết bị gây nhiễu của Nga. Ông cho biết có thể đối phó bằng cách thay đổi thời gian và địa điểm bắn.
Hệ thống dẫn đường dựa vào tia laser hoặc bản đồ địa hình sẽ tránh được thiết bị gây nhiễu GPS. Các hãng cung cấp vũ khí phương Tây cũng đã phát triển bản vá phần mềm cho một số loại đạn để cải thiện khả năng thích nghi.
Ông lưu ý rằng Excalibur được thiết kế vào những năm 1990, khi GPS còn ở giai đoạn sơ khai và công nghệ tác chiến điện tử chưa phức tạp như bây giờ.