Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Hành vi của người bố rất đáng lên án

Nguyễn Long, | 27/03/2024, 21:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyên gia giáo dục cho rằng, khi trẻ con xảy ra mâu thuẫn, người lớn nên lắng nghe và đánh giá tình hình để tìm cách hòa giải cho con. Tuyệt đối không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Cô Hiệu trưởng: "Đ. là một học sinh ngoan"

Liên quan đến vụ nam sinh N.H.Đ. (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) bị đánh chết não, ngày 27/3, trao đổi với PV Báo PNVN, bà Trịnh Hoàng Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Hưng, cho biết, sau khi nắm được thông tin về việc học sinh của trường mình gặp nạn, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cùng nhiều học sinh trong trường đã đến thăm hỏi, động viên gia đình em Đ. tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hoàn cảnh gia đình em Đ. rất khó khăn vì bố mất sớm, mẹ không có việc làm ổn định. Việc em Đ. phải trải qua 2 lần phẫu thuật não rất tốn kém, thấu hiểu điều đó giáo viên nhà trường và nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường THCS Việt Hưng đã cùng nhau quyên góp ủng hộ gia đình Đ. thông qua số tài khoản của mẹ Đ.

"Sáng qua, 26/3, tôi cùng một số giáo viên và các em học sinh đã túc trực tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khoảng 3 tiếng để động viên gia đình và mẹ của em Đ. Do công việc nên đại diện nhà trường không có ai đưa em Đ. về Phú Thọ được, điều này cũng khiến tôi và nhiều giáo viên trong trường rất áy náy", bà Hoa cho hay.

Thông tin về tình hình học tập và đạo đức của Đ., bà Hoa cho biết, Đ. là một học sinh ngoan, năm lớp 6 em đạt học sinh Giỏi, năm lớp 7 đạt học sinh Khá, học kỳ 1 của năm lớp 8 em đạt học sinh Khá.

Những năm qua, công tác tuyên truyền giáo dục đến các em học sinh luôn được chú trọng. Nhà trường thường xuyên mời Công an quận Long Biên về để tổ chức các buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh; tuyên truyền phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy.

Các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật và phòng cháy chữa cháy ở Trường THCS Việt Hưng

Theo bà Hoa, công tác giáo dục phổ biến kỹ năng xử lý tình huống cho các em học sinh được diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, sau sự việc của em Đ., chắc chắn nhà trường sẽ phải tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh để cùng giáo dục các con, tránh những trường hợp tương tự xảy ra.

"Nếu là người bố bình thường sẽ không ai làm như vậy"

Trao đổi với PV Báo PNVN, chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, người bố trong sự việc nói trên đã không biết cách giáo dục con. Trong tình huống này, nếu là một người bố có kiến thức về pháp luật thì sẽ không bao giờ đưa con ra tìm người mâu thuẫn với con để giải quyết bằng nắm đấm.

"Về mặt giáo dục, tôi cho rằng anh ta không xứng đáng là một người bảo hộ và giáo dục trẻ. Nếu như những sự việc như thế này ở các nước Châu Âu, lập tức anh ta sẽ bị tước quyền chăm sóc và giáo dục con", bà Hương cho hay.

Cũng theo bà Hương, trong trường hợp này, nếu là một người bố bình thường thì sẽ không ai làm như vậy. Đáng nhẽ ra khi nghe con nói con có mâu thuẫn với bạn thì người lớn cần phải lắng nghe và hỏi rõ xem lỗi của con ở đâu và đánh giá tình hình, từ đó hướng dẫn con cách hòa giải; Tuyệt đối không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

"Một người bất kỳ nếu nhìn thấy đánh nhau thì cũng sẽ có hành động can ngăn hoặc gọi cảnh sát ngay. Theo thông tin ban đầu, người bố đã cố tình dẫn theo 2 con ra để tìm người mâu thuẫn với con và đứng bảo kê để cho các con hành hung nhân vật kia. Tôi cho rằng về mặt kiến thức giáo dục con của người bố này bằng con số 0", bà Hương nhận định.

Theo thông tin ban đầu từ phía gia đình cung cấp, chiều 17/3, cháu Đ. chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Tại đây, Đ. mâu thuẫn với cháu K. (12 tuổi, học sinh lớp 6). Sau đó, cháu K. về nhà gọi anh ruột là M. (học lớp 10) và bố là T. chở nhau bằng xe máy đến sân đình gặp cháu Đ. Tiếp đó, K. và anh trai K. lao vào đánh cháu Đ. khiến thiếu niên này bất tỉnh tại chỗ.

Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang rồi chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật.

"Con tôi nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, khám ngoài không có dấu vết tổn thương, rách da, chảy máu nhưng khám trong cháu bị chấn thương sọ não nặng, xuất huyết dưới mạng nhện. Cháu được phẫu thuật 2 lần nhưng do vết thương quá nặng dẫn tới chết não, sự sống của cháu gần như không còn, cố duy trì từng ngày bằng máy thở", chị L. (mẹ cháu Đ.) nghẹn ngào.

Chiều 26/3, gia đình nạn nhân đã hoàn tất thủ tục để chuyển Đ. từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì sự sống bằng máy thở. Các bác sĩ tại Bệnh viện 108 nhận định khả năng hồi phục của Đ. là khó.

Theo tìm hiểu của PV, gia đình chị L. quê gốc ở Phú Thọ, cách đây khoảng chục năm, cả nhà xuống Hà Nội làm ăn và thuê trọ ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Cách đây 3 năm chồng chị qua đời do tai nạn giao thông, để lại chị và Đ. Hàng ngày chị đi bán hàng rong để kiếm tiền nuôi Đ. ăn học. Thương mẹ vất vả nên cháu Đ. rất ngoan và chăm chỉ học tập.

Bài liên quan
Lắng nghe, thấu hiểu để đẩy lùi bạo lực học đường
Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” là diễn đàn được nhiều trường học ở ĐBSCL mở ra để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Hành vi của người bố rất đáng lên án