Vụ "từ chối công tác giáo dục" học sinh: Tranh cãi vì thu chi quỹ phụ huynh 300 triệu đồng/năm

Hoài Thương, | 06/10/2023, 14:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau nhiều lần mời phụ huynh làm việc nhưng không được, một trường học ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã từ chối dạy con của vị phụ huynh này.

Tuy nhiên, theo quy định, trong trường hợp này, hiệu trưởng không thể lấy lý do bố mẹ không phối hợp để từ chối tiếp nhận giáo dục học sinh. Điều này không đúng với quy định về xử lý kỷ luật học sinh.

Học sinh đã đi học trở lại

Vụ từ chối công tác giáo dục học sinh: Tranh cãi vì thu chi quỹ phụ huynh 300 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Ban giám hiệu nhà trường làm việc với phóng viên.

Nguyên nhân là do những dòng tin nhắn của phụ huynh trong nhóm chat chia sẻ băn khoăn về những khoản thu chi quỹ cha mẹ học sinh của nhà trường, và phụ huynh cho rằng trường không trung thực và không tôn trọng ý kiến của họ.

Anh Hoàng Tuấn Anh, Cựu Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh lớp 12A3, Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: "Tôi viết dòng tin nhắn khá dài chia tay mọi người và trình bày lý do vì sao tôi dừng lại không làm chi hội trưởng nữa. Bác Hoàng Xuân Toàn có viết vào tin nhắn có sự chia sẻ với tôi về các khoản thu chi đóng góp. Tôi cũng không hiểu lý do tại sao nhà trường viết giấy mời và ra thông báo nghỉ học vì một lý do như vậy".

Còn anh Hoàng Xuân Toàn cho hay: "Trường yêu cầu mình lên để giải trình việc mình thắc mắc thu chi của nhà trường về nội dung tin nhắn. Cái đó mình không đồng ý. Mình là người đang thắc mắc thì nhà trường phải có trách nhiệm giải thích lại với mình chứ không phải là yêu cầu người đặt câu hỏi giải thích lại với nhà trường về vấn đề đó. Nhưng học sinh lớp 12A3 đã phải nghỉ một ngày 4/10 theo thông báo của giáo viên".

Đại diện nhà trường cho biết, trước đó, trường này đã bốn lần gửi giấy mời, cử giáo viên tới nhà gặp trực tiếp để mời phụ huynh Toàn đến trường để làm rõ về phát ngôn của mình, nhưng phụ huynh không có mặt.

Ông Đinh Quang Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, trường chưa ra văn bản đình chỉ học sinh… Trên thông báo chúng tôi chưa thể hiện rằng là đã có quyết định đình chỉ học sinh. Chúng tôi ra thông báo đó mong muốn phụ huynh phối hợp với nhà trường để tìm đến tiếng nói chung".

Vụ từ chối công tác giáo dục học sinh: Tranh cãi vì thu chi quỹ phụ huynh 300 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Những khoản chi của quỹ phụ huynh năm học 2022-2023 của trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội

Mấu chốt của những tranh cãi chính là quá trình thu chi quỹ phụ huynh của trường, ước tính hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Theo họ, nhà trường giữ tiền quỹ và chi tiêu không hợp lý. "Cái này do bác chi hội trưởng và nhóm chi hội trưởng, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường phải đấu tranh thì mới nhận lại được bản chi tiết này. Những năm trước không công khai?" - anh Hoàng Xuân Toàn Phụ huynh hoc sinh lớp 12A3 nhấn mạnh.

Còn theo ông Vũ Tam Ban, Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 11A10, Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết: "Đơn cử như khoản chi hỗ trợ triển khai năm học mới, tôi thấy nó không hỗ trợ cho việc học tập. Thông tin tôi được biết, nhà trường chi vào việc tổ chức kỳ nghỉ cho cán bộ công nhân viên nhà trường ở Tam Đảo".

Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường lại phản bác: "Đương nhiên phải được sự đồng ý của ban đại diện cha mẹ học sinh thì chúng tôi mới sử dụng. Chúng tôi không tự ý chi những khoản đó".

Vụ từ chối công tác giáo dục học sinh: Tranh cãi vì thu chi quỹ phụ huynh 300 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Anh Hoàng Xuân Toàn làm việc với đại diện nhà trường.

Ngày 5/10, anh Hoàng Xuân Toàn đã tới trường để gặp gỡ ban giám hiệu. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa có tiếng nói chung.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu trường THPT Lạc Long Quân không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh. Đồng thời đã giao các phòng ban xem xét xử lý sự việc theo đúng tinh thần chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là trường ngoài công lập, có khoảng 1.200 học sinh. Mức học phí một năm là gần 9 triệu đồng, chưa kể một số khoản đóng góp khác.

Thiếu căn cứ để dừng việc học của học sinh

Theo một vị luật sư, quy định về xử lý kỷ luật học sinh được quy định tại nhiều thông tư như Thông tư 32/2020 hoặc Thông tư 08/1998. Theo quy định tại Thông tư 08/1998 thì có năm hình thức kỷ luật đối với học sinh THPT gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ và đuổi học một năm.

Như vậy, những học sinh nào vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm hoặc mắc khuyết điểm nghiêm trọng sẽ bị xử lý kỷ luật tạm dừng việc học có thời hạn.

Trong vụ việc này, lý do mà Ban giám hiệu Trường THPT Lạc Long Quân tạm dừng việc học của học sinh xuất phát từ phía phụ huynh chứ không phải lỗi trực tiếp từ học sinh. Cho nên việc dừng việc học của học sinh là thiếu căn cứ.

Còn theo chuyên gia tâm lý, có hiện tượng các cha mẹ dù không đồng tình với những khoản thu nhưng không lên tiếng. Điều này xuất phát từ một quy luật truyền thống là thiểu số im lặng. Mặc dù họ biết có sự bất hợp lý nhưng họ tự động im lặng vì không muốn bị cô lập. Lý do khác quan trọng hơn là phụ huynh lo lắng những hậu quả, hệ quả đến với con của mình. Đó cũng là lý do rất nhiều người có tiền chọn cho con học trường tư để đóng một cục thay vì chịu những bức xúc này. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng, truyền thông cần giải thích cho cha mẹ hiểu và cổ vũ họ phải sẵn sàng lên tiếng. Nếu ngại nói, phụ huynh có thể viết ra ý kiến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ "từ chối công tác giáo dục" học sinh: Tranh cãi vì thu chi quỹ phụ huynh 300 triệu đồng/năm