Thế hệ vàng của bóng đá Bỉ được hình thành từ chính sách phải khai thác nguồn dân nhập cư nếu họ muốn có đội tuyển tốt hơn. Chính sách này bắt đầu từ năm 2000, sau khi đội Bỉ thi đấu rất thất vọng với tư cách là đồng chủ nhà Euro 2000. Cựu giám đốc kỹ thuật LBĐB Bỉ Michel Sablon được ghi nhận công lớn nhất trong việc tạo dựng thế hệ vàng. Lúc đó, ông thuê một nhà nhân chủng học tên là Johan Leman để tìm ra cách tốt nhất tích hợp các cộng đồng dân nhập cư vào việc thiết lập ĐTQG.
Inaki Wiliams (ảnh) chọn thi đấu cho Ghana, trong khi người em Nico khoác áo Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
“Không phải người nhập cư nào cũng có thể trở thành kỹ sư, thể thao có thể mang tới cho họ hy vọng”, ông Sablon nói. Một số lượng lớn các sân bê tông xuất hiện khắp các thành phố của Bỉ vào những năm 2000 và điều đó có nghĩa là một thế hệ cầu thủ lớn lên học các kỹ năng và cách chơi hoàn toàn khác với những gì đã có trước đó. Công việc xây dựng các thế hệ cầu thủ kế tiếp vẫn tiếp tục được LĐBĐ Bỉ thực hiện qua nhiều dự án khác nhau.
Không chỉ các đội ở bảng F hưởng lợi từ nguồn dân nhập cư. Trong số 831 cầu thủ đến Qatar, 137 người - khoảng một phần sáu - được sinh ra ở nước khác với nước mà họ đang đại diện. Thậm chí có cả việc hai anh em ruột cùng nhà, mỗi người thi đấu cho một ĐTQG khác nhau, như Inaki Williams đá cho Ghana và cậu em Nico Williams đá cho đội Tây Ban Nha.
Cha mẹ họ người Ghana đã đi bộ vượt qua sa mạc Sahara, trèo qua hàng rào khét tiếng Melilla mà Tây Ban Nha dựng ở biên giới với Morocco để ngăn dòng người nhập cư. Khi đã vào được Melilla, phần lãnh thổ của Tây Ban Nha ở Bắc Phi, họ được bảo vệ bởi đạo luật của EU: cấm chính quyền địa phương trả lại người nhập cư về nước họ khi nước họ đang có chiến tranh. Inaki và Nico được sinh ra, lớn lên và tập bóng tại Tây Ban Nha.
Lúc trước cũng có những trường hợp tương tự như anh em Williams. Jerome Boateng đá cho tuyển Đức, ông anh Kevin-Prince Boateng khoác áo Ghana. Có anh em nhà Xhaka (Thụy Sĩ và Albania), Pogba (Pháp và Guinea), Alcatara (Brazil và Tây Ban Nha), Joao Mario (Bồ Đào Nha và Angola), Mandanda (Pháp và Congo), Cahill (Úc và Samoa).
Trận đấu giữa Qatar với Senegal là một trận cầu điển hình về cầu thủ nhập cư. Qatar có cầu thủ đến từ tám quốc gia nước ngoài khác nhau: Algeria, Bahrain, Ai Cập, Pháp, Ghana, Iraq, Bồ Đào Nha và Sudan. Các cầu thủ này sinh ra ở nước ngoài, được các nhà tuyển dụng tài năng phát hiện và đem đến tập bóng đá tại Học viện Aspire từ nhỏ, nhằm phục vụ mục đích tạo ra một ĐTQG Qatar mạnh.
Tuyển Pháp luôn là một đội bóng đa dạng nhất về sắc tộc và điều đó mang đến cho họ thành công. Ảnh: Reuters. |
Thật ra, nói các cầu thủ hoàn toàn đại diện cho Qatar cũng được, vì các nhà nhân khẩu học ước tính chỉ có 12% dân số Qatar hiện tại thực sự là người Qatar. Không có người nhập cư, khó tạo nên xã hội Qatar như bây giờ. Người ghi bàn thắng duy nhất cho Qatar tại World Cup trên sân nhà của họ là Mohamed Muntari, sinh ra ở Ghana. Anh cùng họ với tuyển thủ Ghana nổi tiếng Sulley Muntari từng chơi cho cả Inter và AC Milan.
Còn Senegal gồm nhiều cầu thủ sinh ra bên ngoài Senegal: chín người sinh ra ở Pháp, cộng thêm thủ môn Seny Dieng sinh ra ở Thụy Sĩ, hậu vệ Ismail Jakobs sinh ra ở Đức, tiền đạo Nicolas Jackson sinh ra ở Gambia nhưng lớn lên ở Senegal.
Cầu thủ từ nguồn nhập cư có tạo ra thành công? Để trả lời câu hỏi này, tốt nhất hãy nhìn vào đội tuyển Pháp. Các huyền thoại Raymond Kopa, Michel Platini đều không thuần Pháp. Thế hệ Zinedine Zidane vô địch World Cup 1998 đông nghẹt các cầu thủ dân nhập cư: Youri Djokaeff, Lilian Thuram, Patrick Vieira, Thierry Henry, David Trezeguet, Christian Karembeu…
Còn tại World Cup 2018, đội Pháp lại giành cúp, trong danh sách 23 cầu thủ đến Nga, chỉ có hai cầu thủ “thuần Pháp”. Đội hình dự World Cup 2022 của họ có 3/26 người thuần Pháp: Jordan Veretout, Adrien Rabiot, Benjamin Pavard.