Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được ký kết năm 1990. Ảnh: LASKI DIFFUSION/GETTY IMAGES
Cùng với Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF: Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ cấm phát triển, triển khai tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500 km đến 5.500 km), CFE nhìn chung được coi là một trong những hiệp ước xác lập kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, cả hai nước đều đã rút khỏi INF.
Vì lẽ đó,Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu (EUCOM) lâu nay vẫn muốn rời khỏi CFE.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, quyết định này không có nghĩa là nước Mỹ quay lưng với kiểm soát vũ khí.
"Cùng với các đồng minh, chúng tôi đang bàn thảo các ý tưởng để làm việc cùng các đối tác có trách nhiệm nhằm tiếp tục các nỗ lực hướng tới giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn hiểu nhầm, tránh xung đột và xây dựng lòng tin", WSJ dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Nga: Đây là "cơ chế chết"
Hồi tháng 5 năm nay, Nga đã đưa ra thông báo sẽ rút khỏi CFE trong vòng 6 tháng. Tại thời điểm đó, các nước NATO đã bất đồng về việc nên rút khỏi CFE như Nga hay chỉ ngừng tham gia. Cuối cùng, NATO đạt đồng thuận ngừng tham gia.
Theo WSJ, một số chuyên gia về kiểm soát vũ khí cho rằng, thỏa thuận vẫn có giá trị dù không có sự tham gia của Nga.
Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) Daryl Kimball nhấn mạnh rằng, hiệp ước sẽ vẫn đóng vai trò hữu ích bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin về các lực lượng quân sự giữa các quốc gia còn tham gia thỏa thuận.
"Thỏa thuận sẽ cung cấp một sự minh bạch và cơ chế xác minh quan trọng. Mỗi năm, các quốc gia thành viên trao đổi dữ liệu về lực lượng nắm giữ vũ khí thông thường của mình", Kimball nói, "Và điều đó có lợi cho tất cả các bên, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng gia tăng".
Về phần mình, Nga khẳng định việc Nga rút khỏi CFE sẽ không tạo ra bất cứ hệ lụy gì bởi đây là một cơ chế "chết".
Ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chính thức rút khỏi CFE. Giải thích về quyết định này của Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Đây vốn là một cơ chế chết... và không phải là lỗi của Nga. Trong trường hợp này, nước Nga đơn giản chỉ là đưa tình hình về thực tế".