Dạy – học đáp ứng mục tiêu thi cử
Cô Ngô Hòa Liên - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Thái Phiên, TP Đà Nẵng - thừa nhận: “Đề thi Ngữ văn hiện chú trọng kiểm tra kiến thức nên giáo viên buộc phải đọc cho học sinh chép, bài làm càng đầy đủ chi tiết thì điểm càng cao nên không có cách nào khác”.
Trong quá trình dạy – học, cô giáo Hòa Liên đều chú trọng hướng dẫn kỹ năng xây dựng dàn ý, kỹ năng viết, diễn đạt cho học sinh. Tuy nhiên, khi học trò đi thi, diễn đạt của các em sẽ không mượt mà như những em học theo văn mẫu nên điểm không cao bằng. Vì vậy, muốn điểm cao, câu văn mượt mà thầy cô làm sẵn và các em cứ thế học theo. Với học sinh THPT, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức trên tinh thần nhớ ý chứ không đến mức học thuộc lòng cả bài rồi chép lại.
Với môn Ngữ văn, học sinh thường được hướng dẫn mẫu chung để áp dụng cho bất cứ mở bài của tác phẩm nào. Thầy Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - viện dẫn: Với nội dung nghị luận văn học, phần mở bài, giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, tức là đưa yêu cầu của đề vào và nếu có câu giới thiệu tác giả, tác phẩm thì sẽ có điểm.
Cách mở bài đơn giản nhất là từ tác giả, tác phẩm và đi đến vấn đề cần nghị luận. Nếu học sinh có cách mở bài khác hay hơn thì những câu đầu của phần thân bài nên có giới thiệu về tác giả, tác phẩm. Phần này, nhiều em không để ý nên dễ bị mất điểm. Khi phân tích tác phẩm văn học hoặc đoạn trích, cần có đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật. Để làm được phần này, học sinh có thể vận dụng từ phần ghi nhớ của sách giáo khoa hoặc mục tiêu cần đạt ở đầu bài là đã có thể có điểm.
Một giáo viên dạy Ngữ văn chuyên luyện thi chia sẻ: “Cho dù cách ra đề thi nhiều năm nay không ra riêng một tác phẩm hoặc một nhân vật nào mà sẽ chọn một vài đoạn trích hoặc một ý nào đó trong tác phẩm, nhưng giáo viên sẽ vẫn có cách dạy tủ cho học sinh.
Thừa nhận thực trạng trên, cô giáo Ngô Hòa Liên nhìn nhận, để đáp ứng mục tiêu thi cử, phần lớn giáo viên đang dạy “cái gì” để đáp ứng kiến thức trong phạm vi của đề thi. Nếu đổi mới việc thi cử sẽ buộc người thầy phải chuyển từ dạy “cái” sang dạy “cách”. Giáo viên sẽ trang bị cho học sinh kỹ năng và phương pháp để tiếp cận kiến thức. Làm sao để trong bài làm, trò thể hiện được sự hiểu biết của mình và vận dụng kiến thức vào trong thực tế, bài đọc mới.
Thầy Nguyễn Quang Hưng ví dụ, lâu nay, giáo viên vẫn mặc định hình ảnh đoàn tàu trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” là biểu hiện cho khát vọng, ước mơ. Nhưng ở mức độ cảm nhận của học sinh đại trà, nếu không tiếp cận văn mẫu, các em có thể chỉ cảm nhận ở mức đó là sự tò mò, háo hức của nhân vật. Vì vậy, trong quá trình dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá, giáo viên nên chấp nhận và trân trọng những cảm nhận ban đầu của học sinh.