Cầu chính sẽ do hai bên cùng đầu tư xây dựng, trong đó mỗi bên tự thi công phần cầu chính, cầu dẫn và đường dẫn của bên mình. Phía Việt Nam thi công một nửa cầu chính gồm 50 m nhịp chính và 60 nhịp biên, cầu dẫn dài 40 m và đường vào cầu. Tổng chiều dài cầu bên phía Việt Nam là 165,1 m.
Chính phủ hai nước thống nhất giao tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam thành lập Tổ công tác liên hợp xây dựng cầu đường bộ chịu trách nhiệm thỏa thuận và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế cầu. Mỗi bên tự thiết kế công trình đường dẫn của bên mình. Công tác giám sát chất lượng công trình do hai bên cùng triển khai.
Theo đại diện tỉnh Lào Cai, Chính phủ hai nước cũng thống nhất đơn giản hóa thủ tục đối với người tham gia xây dựng, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng xuất nhập biên giới Việt - Trung qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu trong thời gian xây dựng cầu. Các công việc liên quan đã được hai nước chuẩn bị từ nhiều tháng nay.
Khu vực xã Bản Vược, huyện Bát Xát nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2018. Việc xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 12-13/12, hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong 36 văn kiện này có 4 văn bản lĩnh vực chính trị - đối ngoại được ký giữa các ban Đảng và Bộ Ngoại giao hai nước, 4 văn bản hợp tác an ninh - quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp.
24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp chính phủ, cấp bộ và cơ quan, cùng 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước.