Ông Huân dẫn chứng, mới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đi giám sát về biến đổi khí hậu đã làm việc với một số nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng . Khi đó, lãnh đạo nhà máy thủy điện đề xuất giải pháp giúp cho hạ lưu không thiếu nước là đưa các đầu ống ra xa bờ hơn để lấy nước. Nếu triển khai, nhà máy thủy điện sẵn sàng chia sẻ kinh phí với Hà Nội (khoảng 300-400 tỷ đồng). Lý do thủy điện đưa ra đề xuất này để hạn chế thiếu điện vào mùa khô. Trong khi đó, lượng nước được xả xuống hạ nguồn để phục vụ tưới tiêu có hiệu suất thấp hơn so với sử dụng nước để sản xuất điện.
“Tôi cho rằng không có phương án nào là tối ưu, là tuyệt đối. Thay vào đó, cần phải đánh giá để tìm ra điểm tối ưu và việc này do các cơ quan chuyên môn tiến hành và quyết định. Khi đó, họ sẽ cân đối giữa lợi ích sản xuất công nghiệp, dân sinh, giao thông, nông nghiệp, hệ sinh thái”, ông Huân nói.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, nếu nước sông Hồng dâng cao thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ bớt ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp phần ngọn.
Ông Huân cho rằng, vấn đề cốt lõi trong giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy là phải thu thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất trước khi đổ xuống sông. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì dù nước sông Hồng có được dẫn vào sông Nhuệ, sông Đáy vẫn sẽ ô nhiễm. Đó là chưa kể, việc dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ, sông Đáy chẳng khác gì việc vận chuyển cục bộ ô nhiễm từ khu vực này sang khu vực khác, thậm chí vùng hạ lưu còn ô nhiễm trầm trọng hơn.
Trong khi đó, TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cũng băn khoăn việc Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng và cho rằng cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động tới môi trường, cảnh quan, tâm linh khi xây dựng 2 đập dâng.
TS. Đào Trọng Tứ đề nghị Hà Nội cần phải xử lý dứt điểm tình trạng xả thẳng nước thải sinh hoạt, sản xuất xuống các dòng sông. Chỉ khi làm tốt việc thu gom chất thải, nước thải tình trạng trạng ô nhiễm các dòng sông mới được cải thiện.