Theo bà Mai, hiện có nhiều người làm trong ngành Giáo dục nhưng không được hưởng các chế độ, chính sách của nhà giáo như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp… “Đây là vấn đề đã phản ánh nhưng chưa được tháo gỡ, khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong giải quyết quyền lợi cho những người này. Mong rằng, khi xây dựng Luật Nhà giáo sẽ giải quyết thấu đáo quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo” – bà Mai bày tỏ.
Ở các kỳ họp trước của Quốc hội khóa XV, một số đại biểu cũng đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình) kiến nghị, cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, sự thành bại của đổi mới giáo dục có vai trò quyết định của nhà giáo, nên cần quan tâm tới chính sách cho nhà giáo, có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế nhà giáo, nhất là quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng việc dạy học, Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp. Do đó, sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội nhằm giúp các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Chia sẻ về những vấn đề căn cốt cần đưa vào Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho hay, khi đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT xác định những nội dung cơ bản gồm: Thể chế hóa quan điểm của Đảng coi “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và vai trò, vị trí quan trọng của nhà giáo “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”.
Từ đó có các cơ chế, chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; thu hút được người giỏi trở thành nhà giáo; tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội; đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ngoài ra, Luật sẽ khắc phục được những bất cập, tản mạn, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.
Luật cũng quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Ông Vũ Minh Đức cho hay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có trên 200 văn bản với nội dung quy định có liên quan đến nhà giáo. Tuy số lượng văn bản nhiều nhưng do nhiều cơ quan ban hành vào những thời điểm khác nhau nhằm mục đích khác nhau nên các quy định về nhà giáo tản mạn, thiếu đồng bộ, chất lượng không cao. Ngoài ra, một số văn bản hết hiệu lực, quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, chưa phản ánh rõ đặc điểm nghề nghiệp đặc thù của đội ngũ nhà giáo.