Việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Ngày 27/12, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) tổ chứcHội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Theo báo cáo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, năm 2024, Viện đã triển khai 66 nhiệm vụ KH&CN các cấp, tập trung vào nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Các nhiệm vụ này không chỉ đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân mà còn góp phần quan trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy mô hình tăng trưởng.
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được vận hành an toàn, khai thác hiệu quả, vượt chỉ tiêu đặt ra với tổng thời gian vận hành là 3.700 giờ trong 47 đợt dài ngày ở công suất 500 kWt.
Năng lực sản xuất dược chất phóng xạ trên lò phản ứng dùng cho chẩn đoán và điều trị ung thư tiếp tục được duy trì và đáp ứng tốt nhu cầu trong nước với sản lượng đã cung cấp năm 2024 là 1.067 Ci.
Máy gia tốc Cyclotron 13 MeV tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được đầu tư từ năm 2013 đã dần hoạt động ổn định, bước đầu có những thành công nhất định. Đến hết năm 2024, Trung tâm sản xuất được hơn 300 ca thuốc Vinatom FDG, cung cấp hơn 160.000 mCi dược chất phóng xạ FDG cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội sử dụng để chẩn đoán hình ảnh PET/CT cho hơn 10.000 bệnh nhân.
Ngoài ra, Viện cũng đảm bảo vận hành các thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường, triển khai thực hiện Đề án thành lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
Tổng số công trình nghiên cứu công bố trong năm 2024 đạt 324 công trình, khẳng định vị thế của Viện trong lĩnh vực KH&CN...
Trong tình hình mới, Đảng và Chính phủ quyết tâm tiếp tục chương trình phát triển điện hạt nhân và đã quyết định tái khởi động dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, năm 2025 và những năm tới, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tập trung vào chủ đề "Xây dựng năng lực phát triển điện hạt nhân".
Theo TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhân là một cơ hội lớn cho ngành hạt nhân, đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành.
Để thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân, đòi hỏi Việt Nam phải có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý, vận hành hùng mạnh, năng lực khoa học công nghệ, sản xuất công nghiệp tốt hỗ trợ cho việc đảm bảo chất lượng trong triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.
Vì vậy, trước mắt, nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân và an toàn hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để có thể tư vấn, hỗ trợ cho Chính phủ và các chủ đầu tư quay lại với chương trình điện hạt nhân, lựa chọn công nghệ phù hợp khi tái khởi động lại các Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong giai đoạn tiếp theo, việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi gồm nhiều lĩnh vực, để xây dựng một chương trình quốc gia phát triển nghiên cứu, hỗ trợ cho đảm bảo an toàn trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, cũng như nâng cao năng lực nội địa hoá, sản xuất các thiết bị điện hạt nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những thành tựu của Viện Năng lượng nguyên tử đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ nét qua những con số, về cả hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động triển khai dịch vụ phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trong nhiều lĩnh vực.
Viện cũng đã bảo đảm tốt nhiệm vụ chính trị gắn với chuyên môn của đơn vị, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử mà Bộ được Chính phủ giao. Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế thiết thực, có ý nghĩa kịp thời, góp phần hiệu quả quảng bá hình ảnh KH&CN của Việt Nam nói chung và của Bộ KH&CN nói riêng trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh xu hướng toàn cầu ngày càng chú trọng đến năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch gần như không phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của riêng mình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong bối cảnh mới, phải là nơi hội tụ tri thức khoa học hạt nhân với sự tập trung của đông đảo đội ngũ chuyên gia và các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Việc này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận trước mắt cũng như trong kế hoạch điện hạt nhân dài hạn của Việt Nam.
Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua các thách thức trong thời gian tới, Viện Năng lượng nguyên tử cần tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Từng bước nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân; hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm; bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về năng lượng hạt nhân.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần đề xuất Chương trình nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia tập trung vào công nghệ, an toàn điện hạt nhân (bao gồm việc đầu tư xây dựng 1-2 phòng lab quy mô quốc gia) nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng.
Tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Dự án Trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân giúp tích lũy kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực, làm tiền đề cũng như tạo niềm tin trong nước và cộng đồng hạt nhân quốc tế trong việc triển khai các dự án hạt nhân lớn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phối hợp với các vụ chức năng của Bộ nhanh chóng triển khai thực hiện đề án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước đưa mạng lưới vào hoạt động.
Tập trung ưu tiên nguồn lực phối hợp cùng với các đơn vị tham mưu Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN triển khai nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
"Đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành, là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng dành riêng cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử, là kim chỉ nam dẫn đường cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam với tầm nhìn dài hạn, được kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm của ngành tương xứng với vị thế và tiềm năng của năng lượng nguyên tử đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.