Sau hợp nhất, TPHCM có 170 trường THPT công lập trực thuộc Sở GD&ĐT quản lý. Phương án thi lớp 10 năm học 2026-2027 do Phòng Quản lý chất lượng chủ trì xây dựng.
Sau khi chính thức hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với khoảng 2,6 triệu em.
Theo thống kê, sau sáp nhập, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ có 170 trường THPT công lập trực thuộc, bao gồm: 110 trường thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT TPHCM cũ và 2 đơn vị còn lại mỗi nơi có 30 trường.
Trong đó, có 4 trường THPT chuyên trực thuộc quản lý của Sở GD&ĐT TPHCM gồm: Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa (thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT TPHCM cũ), Hùng Vương (thuộc Sở GD&ĐT Bình Dương cũ), Lê Quý Đôn (thuộc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũ), Hùng Vương (thuộc Sở GD&ĐT Bình Dương cũ).
Ngoài ra, địa bàn này có thêm Trường Phổ thông Năng khiếu trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Trong 5 trường có 3 trường chuyên tuyển sinh trên cả nước ở năm học 2025-2026 gồm: Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và Phổ thông Năng khiếu.
Năm học 2025-2026, chỉ tiêu tuyển sinh của 5 trường chuyên là 2.765 học sinh.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM cho biết trước mắt, các trường chuyên vẫn hoạt động ổn định trong năm học 2025-2026.
Ngoài ra, toàn địa bàn có 70 trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 13 trường trung cấp công lập và 23 trung tâm khác để phát triển giáo dục hoà nhập, giáo dục chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, khiếm thị, giáo dục kỹ thuật - tổng hợp và hướng nghiệp.
Về tuyển sinh năm học tới sau khi sáp nhập, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu giao phòng Giáo dục phổ thông chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý chất lượng tham mưu phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2026-2027.
Ông yêu cầu phương án tham mưu cần được đưa ra sớm nhất, trong tháng 9/2025, để học sinh và giáo viên các cơ sở giáo dục biết và định hướng trong công tác dạy và học.
Phòng Kế hoạch tài chính được phân công chủ động tham mưu các nội dung liên quan đến các khoản thu, học phí, rà soát cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đầu năm học 2025-2026, các dự án đầu tư công.
Đơn vị này chịu trách nhiệm tham mưu trong công tác giao chỉ tiêu tuyển sinh các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, Văn phòng Sở cũng được giao chủ trì xây dựng phương án để xác định tọa độ của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM nhằm chuẩn bị cho công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học 2026-2027.
Kỳ thi lớp 10 những năm qua được đánh giá có tính cạnh tranh cao và áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, do đó, việc công bố phương án tuyển sinh sớm sẽ giúp các em học sinh có định hướng rõ ràng hơn trong việc học tập và ôn luyện, đồng thời giúp các trường chủ động hơn trong công tác chuẩn bị và tư vấn tuyển sinh.