Thời sự

Xây dựng sai phép, xây trên đất bị lấn chiếm sẽ bị cắt điện, nước

28/06/2024 09:24

Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng hay xây trên đất bị lấn chiếm... thì chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp cắt điện, nước.

Sáng 28-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), với 462/470 đại biểu tán thành.

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được QH thông qua gồm 7 chương, với 54 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trừ một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1-7-2025, như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thử nghiệm có kiểm soát…

Với 462/470 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: NT

Với 462/470 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: NT

Cắt điện nước để khắc phục vi phạm về phòng, chống cháy nổ

Tại đạo luật này, QH đồng ý cho HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.

Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong một số trường hợp.

Điển hình là công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Hay công trình xây dựng trên đất bị lấn chiếm theo quy định về đất đai; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp…

HĐND TP sẽ quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho hay có ý kiến tán thành quy định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm.

Ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp này, vì có thể không phù hợp với quy định của Hiến pháp, ảnh hưởng đến quyền của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho biết dự thảo luật xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.

“Với Thủ đô, cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép... “ - theo UBTVQH.

Dẫn quy định tại Điều 14 của Hiến pháp “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, cơ quan thường trực của QH cho rằng dự thảo luật xác định cắt điện, nước là biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn “hoàn toàn phù hợp”.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP thời gian qua” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.

Không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực chỉnh sửa gen người

Luật vừa được thông qua cũng dành một điều quy định về “thử nghiệm có kiểm soát”. Theo Điều 25, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 28-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 28-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là ba năm và có thể được gia hạn một lần không quá ba năm.

HĐND TP sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Điều luật này cũng quy định cụ thể việc miễn trách nhiệm dân sự với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay dự thảo luật trình QH thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng “không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người”…

Thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm

Một điểm mới đáng chú ý khác, với đạo luật vừa được QH thông qua, TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

“Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn” - theo Điều 36.

Luật giao UBND TP xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm trình HĐND TP phê duyệt. Đề án xác định rõ hình thức tổ chức hoạt động của Quỹ; thời gian hoạt động của Quỹ; mức hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách TP; phương thức đầu tư, đối tượng hợp tác, nhận vốn đầu tư; cơ chế đánh giá, kiểm soát rủi ro, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, vận hành Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng sai phép, xây trên đất bị lấn chiếm sẽ bị cắt điện, nước