Nhiều trường học tại tỉnh Nam Định hướng tới xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh. Những thư viện này mở ra không gian đọc mới mẻ, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, góp phần xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Ngoài 2 phòng thư viện với hơn 1.400 đầu sách, 4.500 ấn phẩm báo, tạp chí, Trường Trung học cơ sở Hải Xuân, huyện Hải Hậu còn có không gian thư viện xanh tại sân trường. Giữa sân trường trải nắng vàng, góc thư viện xanh được trang trí những giỏ hoa treo, cây trầu bà đung đưa lá, mở ra khoảng không trong lành, thư thả.
Vừa tranh thủ giờ giải lao cùng các bạn đọc sách ở thư viện xanh, em Nguyễn Phương Thảo, lớp 8A2 cho biết, em rất thích không gian này của trường. Sau những tiết học, không gian đọc thư viện xanh là nơi chúng em giải tỏa căng thẳng, cùng trao đổi về cuốn sách mình thích, từ đây giúp em có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn và thoải mái bước vào giờ học tiếp theo.
Để tăng hứng thú đọc sách cho học sinh, nhà trường thiết kế 2 khu đọc sách ngoài trời, bố trí nhiều giỏ hoa, chậu cây xanh và trang trí, kẻ vẽ những bức họa vui nhộn, bắt mắt, tạo cảm giác thân thiện, giúp các em có không gian thoáng đãng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh trung học cơ sở. Qua đó, phong trào đọc sách của học sinh ngày càng lan tỏa trong nhà trường.
Nếu như trước kia, thư viện thường chỉ có thầy cô giáo đến mượn sách, tài liệu tham khảo thì hiện nay, học sinh đến nhiều hơn, không chỉ mượn tài liệu về nghiên cứu mà các em còn tìm sách đọc ngay tại trường. Thống kê từ thư viện nhà trường, từ khi có không gian thư viện xanh (năm 2022) đến nay, số lượt mượn sách trong năm học của học sinh là khoảng 3.500 lượt.
Cô Bùi Thị Ngân, nhân viên quản lý thư viện nhà trường cho biết, bên cạnh sắp xếp tài liệu để giáo viên và học sinh dễ tra cứu, không gian thư viện xanh luôn được thay đổi, bổ sung cây xanh, những loại hoa phù hợp. Cùng với đó, mỗi khi có sách, tài liệu mới, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, thầy cô thường xuyên giới thiệu đến học sinh, giúp các em hào hứng tìm hiểu, tích cực đọc sách.
Thầy giáo Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hải Xuân cho biết, xây dựng thư viện xanh là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện mà nhà trường thực hiện. Việc thay đổi không gian đọc sách tạo cảm hứng đọc và đưa việc đọc trở thành thói quen cho mỗi học sinh. Do đó, mỗi nhà trường cần có hình thức sáng tạo, phong phú để hình thành và phát huy văn hóa đọc đến từng học sinh.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, nhà trường tạo điều kiện để nhân viên quản lý thư viện tham gia khóa tập huấn về thiết lập và quản lý thư viện thân thiện theo mô hình của Tổ chức Room too Read (tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ). Sau khi tiếp cận mô hình này, nhà trường thiết lập mô hình phòng thư viện rộng rãi, diện tích 90m2, nền phòng được trải thảm xốp, các kệ, tủ sách thiết kế với chiều cao phù hợp học sinh Tiểu học và bày trí khoa học, bắt mắt. Nhà trường mua sắm bổ sung trên 800 đầu sách, đa dạng các loại sách tham khảo, truyện, thơ thiếu nhi, truyện tranh, báo, tạp chí phân loại theo bảng mã màu giúp học sinh lựa chọn sách, tài liệu mình cần dễ dàng.
Cô Phạm Cảnh Thuận, Hiệu trưởngTrường Tiểu học thị trấn Liễu Đề cho biết, ở thư viện, ngoài đọc sách, truyện, học sinh còn tham gia chơi trò chơi dân gian như ô ăn quan, que chuyền… Thầy cô giáo hướng dẫn các em cách chọn lựa đầu sách hay, bổ ích trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập, tạo môi trường, kích thích hứng thú đọc, dần hình thành văn hóa đọc cho học sinh lứa tuổi Tiểu học.
Xác định việc hình thành thói quen đọc sách là điều quan trọng góp phần phát triển trí tuệ và nhân cách của học sinh, nhiều cơ sở giáo dục tại tỉnh Nam Định quan tâm, chú trọng xây dựng mô hình thư viện phù hợp lứa tuổi học sinh.
Ngoài thư viện chung, các nhà trường khuyến khích lớp xây dựng tủ sách ngay trong lớp học giúp học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong lúc rảnh rỗi. Các nhà trường khuyến khích thực hiện xoay vòng tủ sách giữa các lớp để học sinh có cơ hội tiếp xúc nhiều đầu sách hơn. Vì vậy, tủ sách lớp, thư viện trường được trang bị nhiều sách và tư liệu phù hợp lứa tuổi, phong phú nội dung, hình thức trình bày sáng tạo, bắt mắt.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có trên 620 thư viện nhà trường trong đó có hơn 560 thư viện đạt chuẩn. Để phát huy tối đa giá trị của hệ thống thư viện, Sở khuyến khích nhà trường tổ chức 1 tiết đọc thư viện luân phiên theo từng tuần cho học sinh các lớp; tăng cường quản lý, khai thác sách trên hệ thống máy tính...
Sở chỉ đạo các trường tùy điều kiện thực tế tổ chức hoạt động như giới thiệu sách trong tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt lớp, tiết đọc thư viện; tổ chức hoạt động, hội thi liên quan đến đọc sách: Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện sách, Đại sứ văn hóa đọc… Từ đây, phong trào đọc sách, văn hóa đọc trong nhà trường tại Nam Định ngày càng sôi nổi, phát triển năng lực người học theo đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.