Xây dựng Trường học hạnh phúc: Gieo mầm trái ngọt

Đức Trí | 24/10/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỗi nhà trường có cách xây dựng trường học hạnh phúc riêng. 

Xây dựng Trường học hạnh phúc: Gieo mầm trái ngọt ảnh 1

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cùng nhau biểu diễn trong ngày khai giảng. Ảnh: NTCC

“Trái ngọt”

Quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên luôn nhận được sự định hướng, động viên khuyến khích và truyền cảm hứng từ Ban giám hiệu. Đưa ra nhận định này, cô Đỗ Huyền Trang, Trường Tiểu học Phan Đình Giót, khẳng định: Nhà trường luôn tôn trọng sự sáng tạo, giao quyền chủ động cho giáo viên trong dạy học. Nhà giáo đã thực sự đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích.

“Khi giáo viên được cống hiến, ghi nhận, tự tin với kiến thức, kỹ năng, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc của người thầy sẽ đem đến hạnh phúc cho học sinh…”, cô Trang khẳng định.

Ghi nhận thành quả từ trường học hạnh phúc, anh Đào Trọng Viết có 2 con đang theo học Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Thái Nguyên) bày tỏ: “Tôi hoàn toàn yên tâm khi gửi con cho thầy cô, nhà trường. Gia đình không mơ ước các con xuất chúng chỉ cần ngoan ngoãn, giáo dục toàn diện kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội… Mục tiêu này đang được triển khai khá tốt khi nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc. Thậm chí, nhiều kiến thức, kỹ năng các con được lĩnh hội đang tác động tích cực đến gia đình, buộc cha mẹ phải điều chỉnh lại cách hành xử, ý thức tốt hơn…”.

Từ xây dựng trường học hạnh phúc, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), rút ra kinh nghiệm: Khi hiệu trưởng áp lực, căng thẳng sẽ truyền tới giáo viên. Giáo viên không thể hạnh phúc, thoải mái nếu hiệu trưởng luôn là “mẹ chồng” khó tính.

Áp lực mà giáo viên nhận về sẽ trở thành nguồn cơn đổ lên học sinh khi dạy học, từ đó triệt tiêu sự sáng tạo của cả thầy và trò. Do đó, “hiệu trưởng phải là người thay đổi trước tiên để hướng tới giá trị hạnh phúc, mang hạnh phúc đến cho giáo viên và học sinh…”, thầy Mạnh bày tỏ.

Để kiến tạo trường hạnh phúc, thầy Đào Chí Mạnh đã xây dựng phòng chờ giáo viên với không gian café, màu sắc, có quầy bar, nhạc du dương và nhiều cuốn sách để thầy cô giải trí khi cần. Cùng đó, trường giảm bớt việc làm hành chính, hội họp, không gọi điện thoại khi có việc vào buổi tối cho giáo viên.

Đặc biệt, thay vì kiểm tra lớp để “soi” giáo viên có lỗi gì, lỗi ở đâu sẽ hỏi thầy cô cần gì, lắng nghe để chia sẻ và tháo gỡ. Sự chia sẻ của lãnh đạo dù nhỏ nhưng đã trở thành động lực để thầy cô làm việc, sáng tạo… từ đó mang đến cho học sinh nhiều giá trị hạnh phúc; an toàn và mong mỏi được tới trường.

“Xây dựng trường học hạnh phúc còn nhiều khó khăn nhưng khi có niềm tin hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất trên hành trình tìm kiếm, kiến tạo giá trị hạnh phúc. Chỉ ở trong một trường học hạnh phúc thì thầy cô, học trò mới được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được thấu hiểu và có giá trị…”, thầy Đào Chí Mạnh nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-gieo-mam-trai-ngot-post612684.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-gieo-mam-trai-ngot-post612684.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng Trường học hạnh phúc: Gieo mầm trái ngọt