Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS ngày càng được nhiều trường đại học sử dụng trong công tác tuyển sinh đại học chính quy. Nếu như trước đây, chỉ một số ít trường đại học thuộc lĩnh vực kinh tế sử dụng IELTS xét tuyển một số ngành đặc thù, đến nay, con số này đã lên đến vài chục trường. Theo giải thích của nhiều trường đại học, việc dùng IELTS xét tuyển giúp chọn được thí sinh có khả năng học tập tốt, đặc biệt các chương trình tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, tiếng Anh là một trong những điều kiện giúp sinh viên học tập tốt chương trình ở bậc đại học. Có chứng chỉ quốc tế với mức điểm tương đối, sinh viên có khả năng đọc hiểu, nghe nói ngôn ngữ trong học thuật. “Hằng năm, chúng tôi đều phân tích học lực của sinh viên với các phương thức xét tuyển khác nhau. Kết quả cho thấy, sinh viên có đầu vào sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có học lực không thua kém các phương thức khác”, TS Nhân cho biết.
Song, cũng có ý kiến cho rằng, chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như điều kiện tiếp cận, sử dụng ngoại ngữ của học sinh ở các vùng miền còn nhiều chênh lệch. Do đó, sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt IELTS tạo ra sự bất công giữa học sinh ở các địa phương khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, bức tranh tuyển sinh hiện nay chưa đến mức tạo ra sự bất công này.
Theo ThS Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế xét tuyển đại học chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chỉ tiêu ở các trường. Phương thức này thường được dùng cho các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc mang tính đặc thù.
“Vì vậy, việc này không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi các thí sinh”, ông Phùng Quán cho hay. Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến tuyển hơn 3.900 chỉ tiêu (tăng 10% so với năm trước) và giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển; trong đó có xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp kết quả học tập cấp THPT áp dụng cho thí sinh người Việt Nam.
TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng, phần lớn các trường đại học đang sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những điều kiện ưu tiên. Chẳng hạn, với Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, ngoài việc có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên hoặc chứng chỉ khác tương đương, thí sinh phải đạt kết quả học tập nhất định.
Chưa kể, các trường luôn duy trì nhiều phương thức xét tuyển đại học, trong đó vẫn dành tỷ lệ lớn cho phương thức truyền thống (học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT), tạo cơ hội cho các thí sinh với những điều kiện khác nhau vào đại học.
Tại Trường Đại học Luật TPHCM, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được sử dụng trong phương án xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường. Theo đó, thí sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, Nhật, còn giá trị đến ngày 30/6/2024.
Với tiếng Anh, trình độ tối thiểu là IELTS đạt điểm từ 5.5 trở lên (do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp); hoặc TOEFL iBT đạt điểm từ 65 trở lên (do Educational Testing Service (ETS) cấp). Ngoài ra, thí sinh phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên.