Xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số vùng biên viễn Sông Mã

03/08/2023, 17:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La luôn tích cực duy trì các lớp xóa mù chữ, góp phần nâng cao dân trí cho người dân tộc thiểu số.

Xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số vùng biên viễn Sông Mã ảnh 2

Học viên đánh vần chữ viết.

Hỗ trợ các học viên biết đọc, biết viết

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho hay: "Xóa mù chữ cho bà con người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa là một đề án có ý nghĩa thiết thực đối với huyện. Việc chúng tôi mở lớp xóa mù chữ tại huyện đã giúp cho bà con đồng bào chưa được đi học, chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại. Từ đó, giúp người dân biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Đồng thời, giúp bà con thuận lợi hơn trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày diễn ra trong cuộc sống”.

Theo số liệu thống kê của phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, hiện nay tỷ lệ người mù chữ độ tuổi từ 15 - 60 tuổi ở mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình lớp 3) và mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình lớp 5) là gần 7.000 người. Trên cơ sở số liệu tổng hợp, UBND huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch mở 31 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022 - 2025 cho hơn 1.500 học viên. Năm 2022, phòng GD&ĐT đã phối hợp tổ chức 4 lớp xóa mù chữ cho 228 học viên tại xã Đứa Mòn và Nà Nghịu. Năm 2023, dự kiến tổ chức 13 lớp xóa mù chữ cho 650 học viên ở 8 xã. Qua đánh giá, đến nay, 19 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số vùng biên viễn Sông Mã ảnh 3
Lớp xóa mù chữ của bà con dân tộc tại xã Nà Nghịu.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã cho hay: “Chúng tôi đã phối hợp với Hội LHPN huyện rà soát danh sách phụ nữ, trẻ em gái đăng ký theo học xoá mù chữ. Cùng với đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường tiểu học phân công giáo viên dạy lớp xóa mù chữ nghiêm túc và hiệu quả. Chúng tôi cũng đã cung cấp tài liệu, hướng dẫn cho các học viên theo học đạt kết quả cao nhất. Ngoài kinh phí theo chính sách của tỉnh, chúng tôi còn huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để triển khai công tác xóa mù chữ”.

Theo ông Viên, ngoài những mặt thuận lợi, ngành giáo dục huyện còn gặp một số khó khăn. Bởi, đối tượng mù chữ đa số đang trong độ tuổi lao động nên thường đi làm ăn xa hoặc ngại tham gia học vì ảnh hưởng đến thời gian lao động. Cùng với đó, cán bộ phụ trách công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục kiêm nhiệm nên gặp khó về chuyên môn, nghiệp vụ.

“Trước khó khăn trên, chúng tôi đã tham mưu cho huyện tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và người dân về tầm quan trọng của công tác xóa mù chữ. Bên cạnh đó, đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chúng tôi chỉ đạo các trường học chọn địa điểm, thời gian tổ chức các lớp học phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân tham gia học. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với người học”, ông Viên cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-vung-bien-vien-song-ma-post649275.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-vung-bien-vien-song-ma-post649275.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số vùng biên viễn Sông Mã