Xóa mù ở bản Pá Khoang

Đức Trí | 24/10/2022, 06:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các lớp học xóa mù do Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng Sơn La) tổ chức giúp người dân thay đổi cuộc sống.

Chị Giàng Thị Mẩy đăng ký tham gia lớp học khi có bầu. Học vài tháng chị đến ngày sinh nở. Song chỉ 1 tháng sau sinh, vào các buổi tối chị Mẩy gửi con để tới lớp. Nhiều hôm không nhờ được người trông, chị địu cả con đến lớp. Mẹ học, con ngủ trong tiếng ê a của lớp xóa mù.

“Trước đây vì hoàn cảnh em không được học tập. Khi lớp xóa mù mở ở bản và được các chú bộ đội vận động, bản thân thấy việc học cần cho cuộc sống và sau này có thể nuôi dạy con cái nên quyết tâm theo học. Em đã đọc được tiếng Việt và đang cố gắng đọc câu dài hơn. Biết chữ ra đường em thấy tự tin hơn; đi chợ, không phải nhờ người “phiên dịch”. Em sẽ cố gắng học cho tới khi lớp kết thúc…”, chị Mẩy chia sẻ.

Xóa mù ở bản Pá Khoang ảnh 1

Lớp học xóa mù với nhiều độ tuổi, có cả những bà mẹ bế con tới lớp. Ảnh: Đồn Biên phòng Mường Lèo cung cấp

Dạy chữ dạy cả kỹ năng

Lớp học xóa mù của Đại úy Hờ A Thành sẽ trang bị kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó trọng tâm giúp học viên cách đọc hiểu, viết, phép tính đơn giản để sử dụng vào cuộc sống. Do lớp đa dạng độ tuổi, trình độ, tiếp thu… nên mỗi buổi dạy Đại úy Thành phải linh hoạt phương pháp. Anh chia lớp làm 2 nhóm, nhóm chưa biết ngồi bên trái, nhóm đã được học và biết chút ít bên phải. Khi dạy chia bảng làm đôi, một bên học Toán, một bên tiếng Việt.

Không chỉ dạy đọc, viết, Đại úy Hờ A Thành còn lồng ghép một số kỹ năng vào quá trình học tập của học viên. Ví như, với nhóm đã biết chữ và có tuổi, sẽ lồng ghép cách chăm sóc con cái, phát triển kinh tế; với học viên trẻ tuổi lồng ghép nội dung vệ sinh ăn ở, sinh hoạt… Đặc biệt, anh còn mạnh dạn đưa người dân thăm đường biên, cột mốc. Tại địa điểm này sẽ giới thiệu, tuyên truyền chủ quyền biên giới; giúp người dân hiểu ý nghĩa lịch sử; sự phối hợp với Đồn trong bảo vệ đường biên cột mốc.

“Lớp học với 100% bà con dân tộc Mông nên chỉ nói tiếng dân tộc. Quá trình dạy học, bản thân phải hết sức kiên nhẫn để giải thích. Dùng lợi thế bản thân là người Mông, quá trình dạy học khi cần giải thích sâu một vấn đề, tôi đều cố gắng dịch sang tiếng Mông giúp người học dễ hiểu. Mặt khác, thường xuyên động viên, tránh quát mắng khiến người học xấu hổ, tự ái mà bỏ học…”, Đại úy Hờ A Thành chia sẻ.

Anh Sồng A Tủa, nhiều tuổi nhất lớp trao đổi: Thầy Thành dạy dễ hiểu, kiên nhẫn giảng lại khi bà con chưa hiểu hoặc chậm tiếp thu. Thầy còn dạy nhiều kỹ năng để áp dụng vào lao động, sản xuất. Được thầy Thành dạy bảo chúng tôi tự tin hơn với chính mình và người thân. Xem tivi, nghe đài hiểu hơn, biết xem giá, nhìn cân, biết tính tiền lúc đi chợ…”.

Xóa mù chữ chỉ là một trong những nhiệm vụ của người lính biên phòng, tuy nhiên được giúp người dân mở mang phát triển, chúng tôi luôn sẵn sàng và xem như trách nhiệm. Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần thắt chặt hơn tình cảm quân dân nơi biên giới, từ đó phát huy tốt nhất vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước… - Thiếu tá Mai Thế Cảnh (Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mường Lèo)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-o-ban-pa-khoang-post611821.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-o-ban-pa-khoang-post611821.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóa mù ở bản Pá Khoang