Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 cho thấy rất rõ xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam tại các đô thị lớn hiện nay đang thay đổi. 65% người tiêu dùng Việt cho biết họ mang ít tiền mặt hơn từ khi các tiện ích số ngày một phát triển và thông dụng. Đặc biệt, có 32% người khẳng định sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch Covid-19. Khảo sát của Công ty VISA cho thấy, gần 76% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng ít nhất một dịch vụ ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 70% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng 48%, qua điện thoại di động tăng 97%; qua QR code tăng tương ứng 56,5% và 111,62%. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Đặc biệt, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong, quý I/2022 thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng xử lý 2,8 triệu giao dịch không dùng tiền mặt mỗi ngày với giá trị gần 21.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận đây là xu hướng sống không thể khác trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, từ nhiều năm nay, hầu như hoạt động tài chính của trường đều được thực hiện qua ngân hàng, kể cả học bổng cho sinh viên. Các cửa hàng tiện lợi, căng tin trong trường tuy vẫn chấp nhận giao dịch tiền mặt nhưng đồng thời trang bị máy POS (quét thẻ) và chấp nhận giao dịch trực tuyến.
“Thực tế, với bối cảnh chuyển đổi số và số hóa các hoạt động hàng ngày của đời sống đang trở thành thói quen của người dân đô thị thì việc thực hiện các hoạt động giao dịch thu chi qua ngân hàng, ví điện tử (không dùng tiền mặt) mang lại nhiều thuận lợi và an toàn cho người chi và nhận, giảm được nhiều thủ tục giấy tờ. Với sinh viên, việc giao dịch trực tuyến không chỉ giúp hạn chế rủi ro mất mát mà phụ huynh còn dễ dàng giám sát việc đóng học phí và các khoản tiền khác của con mình”, TS Thanh nói.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, ngoại trừ khoản thưởng cho sinh viên, các hoạt động tài chính khác đều thực hiện qua ngân hàng, ví điện tử hoặc các app thanh toán trực tuyến. Nhờ đó mà không còn cảnh thiếu nhân sự thu ngân để thu và kiểm đếm vào mỗi kỳ thu học phí.
“Phụ huynh, sinh viên có thể chuyển học phí từ ngân hàng, ứng dụng ví điện tử hoặc máy quẹt thẻ. Thực tế, việc giao dịch không tiền mặt ngày càng được phụ huynh, sinh viên ưa chuộng bởi tính tiện lợi, nhanh gọn. Thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử hay máy POS đều có chứng từ, lưu vết nên khi có sai sót dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh thậm chí là yêu cầu hoàn tiền. Tiện lợi trên là cơ sở và nền tảng để giao dịch không tiền mặt ngày càng thông dụng”, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nói.
Hiện, đa số trường từ mầm non cho tới THPT tại TPHCM đã triển khai mô hình thu học phí qua các nền tảng trực tuyến. Nhiều trường ngoài việc thu học phí đã triển khai hoạt động giao dịch các tiện ích trong nhà trường thông qua ví điện tử và thẻ học đường thông minh. Với thẻ học đường thông minh, học sinh ngoài việc điểm danh, còn sử dụng như thẻ thư viện, mua thức ăn, nước uống tại căng tin hoặc cửa hàng tiện lợi, đi xe buýt…