Xu thế sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ 'hàng nội'

Minh Phong | 01/01/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau thời gian triển khai, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ khung 6 bậc Việt Nam (VSTEP) dần khẳng định uy tín.

Không chỉ được nhiều học sinh, sinh viên tin dùng, một số cơ sở giáo dục đại học đã sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào trong năm 2023. Nhiều đơn vị cũng sử dụng VSTEP để tuyển dụng nhân sự.

Xét tuyển đầu vào bằng VSTEP

Trường ĐH Hà Nội là một trong các đơn vị được phép tổ chức thi VSTEP. Năm 2023, trường dự kiến sử dụng VSTEP là một trong những tiêu chí xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay: Nhà trường đang hoàn thiện quy chế tuyển sinh riêng. Dự kiến, có khoảng 22 chứng chỉ khác nhau, bao gồm cả trong nước và quốc tế; trong đó, VSTEP sẽ được nhà trường sử dụng để xét tuyển đại học trong mùa tuyển sinh năm 2023.

TS Nguyễn Tiến Dũng nhìn nhận, VSTEP là chứng chỉ chất lượng, đáng tin tưởng. VSTEP đủ điều kiện để các cơ sở đào tạo xét tuyển đầu vào. Mong rằng, sẽ có nhiều trường đại học bổ sung tiêu chí về xét tuyển bằng VSTEP, nhằm mở rộng cơ hội cho thí sinh học đại học. Đồng thời, nâng cao được vị thế chứng chỉ ngoại ngữ của nước nhà. Để chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam có thể cạnh tranh công bằng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, VSTEP giúp người học tiết kiệm kinh phí. Điều quan trọng là quy trình tổ chức thi để cấp chứng chỉ rất chặt chẽ, an toàn, đảm bảo. Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021 của Bộ GD&ĐT quy định rõ các yêu cầu, quy định về tổ chức thi, bảo mật đề thi, điều kiện đối với đội ngũ coi, chấm thi...

Các quy định này bảo đảm tính khách quan và chất lượng. Đề thi được xây dựng nhằm bảo đảm tính quy chiếu ngoại ngữ với đầy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, hoặc tham chiếu theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Cụ thể, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam gồm từ bậc 1 đến bậc 6, còn khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ gồm 6 trình độ từ A1 đến C2.

Bình đẳng trong tuyển dụng

TS Nguyễn Công Hào – Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên (ĐH Huế) thông tin: ĐH Huế đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án tuyển sinh. Việc sử dụng VSTEP để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy cũng được tính toán và cân nhắc.

Chứng chỉ ngoại ngữ: Xu thế sử dụng 'hàng nội' ảnh 1
Thí sinh tìm hiểu các thông tin về tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: NTCC

Mùa tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh dự kiến đưa thêm VSTEP vào danh sách các chứng chỉ tiếng Anh dùng để xét tuyển đầu vào. “Qua đó, tăng cơ hội lựa chọn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm tới”, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay.

Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi Đánh giá năng lực, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ đề xuất các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và đối tác sử dụng VSTEP để xét tuyển thẳng đầu vào. Các đơn vị cũng đề xuất với Bộ GD&ĐT sử dụng kết quả thi VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đầu tháng 11/2022, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát hành văn bản về việc sử dụng VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp tại các trường thành viên. Theo đó, VSTEP sẽ được tin dùng cùng với IELTS, TOEFL trong mùa tuyển sinh năm 2023.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục đại học sử dụng VSTEP để xét tuyển đầu vào, đầu ra cho sinh viên, học viên; nhiều đơn vị sử dụng lao động cũng ghi nhận, đánh giá cao chứng chỉ này để sử dụng vào việc tuyển dụng nhân sự.

Trong thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trực thuộc, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang chấp thuận chứng chỉ VSTEP của các ứng viên. Chẳng hạn, đối với nhóm vị trí nhân viên trường học, Hội đồng tuyển dụng yêu cầu trình độ tiếng Anh là A1 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – người sáng lập, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục NovaEdu khẳng định, công ty không phân biệt chứng chỉ ngoại ngữ “nội” hay “ngoại”, quan trọng là năng lực và hiệu quả công việc. Theo đó, VSTEP hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về mặt văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ trong hồ sơ tuyển dụng của các ứng viên. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải phỏng vấn và yêu cầu một số năng lực nghề nghiệp, kỹ năng khác của các ứng viên” – ông Hùng nói.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, một trong những mục đích mà Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam là để giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá giúp người học đạt được yêu cầu của chương trình đào tạo. Ngoài ra, người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực ngoại ngữ và tự đánh giá năng lực của mình. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia ứng dụng Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR).

Bài liên quan
Thêm đơn vị được liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Thêm 3 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT ký ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xu thế sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ 'hàng nội'