Ý tưởng khởi nghiệp với bộ đồ dùng học tập thông minh và dự án máy phát điện bảo vệ môi trường đã giúp nhóm HS Hà Nội đoạt giải Nhất trong Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp năm nay.
Tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025, đội thi EcoSmart đến từ Trường THCS Hoàn Kiếm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gồm 5 thành viên đã mang đến ý tưởng sáng tạo, thực tế và đậm chất “xanh”, hướng đến thói quen học tập bền vững, thân thiện với môi trường.
EcoSmart - Bộ đồ dùng học tập xanh thông minh là dự án sản xuất và kinh doanh bút bi, thước kẻ, làm từ vật liệu xanh dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Sản phẩm có nhiều tính năng thông minh dựa vào tối ưu thiết kế của sản phẩm và tích hợp hệ thống công nghệ hỗ trợ khách hàng.
Nguyễn Xuân Phúc - học sinh lớp 7B, Trường THCS Hoàn Kiếm, trưởng nhóm thực hiện dự án, cho biết: EcoSmart được lên ý tưởng nhằm mục tiêu cung cấp đồ dùng học tập chất lượng từ vật liệu xanh thông minh và thân thiện, góp phần thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và nâng cao ý thức sống xanh.
Sản phẩm được kết hợp bởi 2 yếu tố Eco (Vật liệu xanh) và Smart (Tính năng thông minh). Eco - sản phẩm được làm từ nguyên liệu xanh nông - lâm nghiệp, thân thiện với môi trường, dễ dàng phân hủy, giảm thiểu rác thải nhựa, giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. EcoSmart ưu tiên cung cấp các sản phẩm có thiết kế nhỏ gọn, tính năng đa năng, tiện lợi.
Trần Hoàng Hà Trang - thành viên phụ trách kinh doanh, chia sẻ: EcoSmart là giải pháp góp phần giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xanh từ sớm cho học sinh, sinh viên. Với giá trị cốt lõi là cung cấp sản phẩm từ vật liệu xanh, tích hợp các tính năng thông minh, tạo nên thương hiệu EcoSmart.
Sản phẩm của EcoSmart bao gồm: EcoRuler, thước kẻ gỗ đa năng 15 trong 1, tích hợp tính năng thay thế cho 4 loại dụng cụ như thước đo độ dài, độ góc, eke, compass và EcoPen, bút bi được làm từ 50% thành phần vật liệu xanh như tre, rơm, giấy kraf.
Nhóm cũng xây dựng website ecosmart.info.vn tích hợp hệ thống công nghệ thông minh hỗ trợ khách hàng. Khi mua sản phẩm, khách hàng có 1 mã cào trên sản phẩm để tích điểm. Điểm tích luỹ cho phép khách hàng học tập kiến thức theo các chủ đề từ đối tác uy tín của EcoSmart; tham gia thử thách để đổi điểm thưởng hằng ngày, hằng tuần; giao lưu, hỏi đáp với chuyên gia.
Bà Bùi Thị Phương Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàn Kiếm, cho biết, dự án EcoSmart - Bộ đồ dùng học tập xanh thông minh không chỉ có giá trị bảo vệ môi trường, tạo thói quen hình thành lối sống xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua giảm tỷ lệ rác thải nhựa một lần trong ngành Giáo dục, mà còn có giá trị cho quá trình tư duy, học tập sáng tạo của học sinh.
Dự án của học sinh Trường THCS Hoàn Kiếm đã thể hiện tâm huyết trong việc ứng dụng tư duy khởi nghiệp vào thực tiễn học đường. EcoSmart không chỉ thông minh, thân thiện với môi trường, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của những người trẻ dám nghĩ khác, làm thật và sống xanh vì cộng đồng.
Cũng tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025, nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) xuất sắc giành giải Nhất với dự án khởi nghiệp “Máy phát điện ma sát nano ứng dụng thắp sáng đèn”. Không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà dự án còn mang tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết vấn đề năng lượng và bảo vệ môi trường.
Tô Bảo An - học sinh lớp 8A5, trưởng dự án, chia sẻ: Dựa trên những kiến thức đã học trong môn Khoa học tự nhiên cùng ý tưởng từ thực tiễn cuộc sống, chúng em bắt tay thực hiện máy phát điện ma sát nano, sử dụng chuyển động của học sinh trên hành lang để tạo ra điện thắp sáng đèn led. Hệ thống vừa tiết kiệm năng lượng vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Máy phát điện ma sát nano tạo điện từ hiệu ứng ma sát, đủ sáng 10 bóng led trên diện tích ma sát nhỏ 15x15 cm. Hệ thống được thiết kế dọc hành lang trường học và thí điểm tại Trường THCS Cầu Giấy, giúp tiết kiệm 40 - 50% chi phí điện năng. Sản phẩm mang giá trị xanh, dễ triển khai, phù hợp với nhu cầu và thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng học sinh.
Chia sẻ thêm về dự án, Bùi Tuấn Minh - học sinh lớp 8A5, cho biết: Dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao và hoàn toàn khả thi do nguyên liệu sản xuất đơn giản, phổ biến, chi phí thấp. Việc sản xuất khả thi nhờ công nghệ vật liệu nano hiện có, kết hợp kỹ thuật điện tử đơn giản để tích hợp hệ thống.
Sản phẩm có cơ cấu gồm vật liệu nano, đèn led, thiết kế cơ khí, lắp đặt. Số tiền chế tạo ra chiếc máy phát điện ma sát nano kích thước 15x15 cm chưa đến 100.000 đồng với các vật liệu phổ biến, dễ dàng khắc phục và thay thế khi có sự cố sẽ là lợi thế không nhỏ để cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, giá cả có thể được tối ưu hơn nữa nhờ sản xuất với số lượng lớn và có sự liên kết với các đơn vị cung cấp vật liệu.
Phạm Minh Hiếu - học sinh lớp 8A8, cho rằng, ứng dụng công nghệ ma sát nano để phát điện hiện chưa phổ biến trên thị trường giáo dục nên đầy tiềm năng. Giải pháp dựa trên chuyển động con người thay vì nguồn năng lượng bên ngoài như mặt trời hoặc gió cũng là ý tưởng độc đáo. Việc kết hợp vật liệu nano sẽ tăng hiệu suất, giảm chi phí sản xuất, giúp giá cả cạnh tranh hơn.
Nguyễn Hải Minh - cựu học sinh THCS Cầu Giấy, hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, dự án có tiềm năng nhân rộng tại các trường học trên toàn quốc bởi giá thành hợp lý, có tính ứng dụng cao và phù hợp với lối sống xanh hiện nay. Sản phẩm có tác động xã hội lớn nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, giảm phụ thuộc vào điện lưới.
Ông Lưu Văn Thông - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, chia sẻ: Lần đầu tham dự Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp nhưng học sinh nhà trường đã xuất sắc vượt qua các đối thủ để đăng quang giải Nhất cấp quốc gia. Chiến thắng này không chỉ là giải thưởng, mà còn khẳng định mạnh mẽ: Tuổi nhỏ không ngăn được khát vọng lớn. Thành công của các em hôm nay là ngọn lửa thắp sáng ước mơ trong tương lai.
Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng và Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025 (SV Startup 2025), Hà Nội có 10 dự án lọt vào vòng chung kết và đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhất, 3 giải Nhì và 4 giải Ba. Các ý tưởng khởi nghiệp năm nay đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Nhiều dự án đã triển khai và bước đầu thành công.