Thực tế cho thấy, từ khi dự thảo cho đến khi Chuẩn cơ sở giáo dục đại học chính thức được ban hành và có hiệu lực; chuyên gia, đại diện các trường đều nhận xét, phần lớn tiêu chí trong chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính hội nhập và đặc điểm thực tiễn tại Việt Nam; trong đó có tiêu chí về diện tích/giảng viên. Suy cho cùng, quy định trên cũng nhằm yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thể hiện trách nhiệm, quan tâm chăm lo đến đội ngũ giảng viên; trên hết vì chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, đào tạo.
Nói như TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những yêu cầu tối thiểu, được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như kết quả hằng năm của các cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn này được xây dựng theo cách tiếp cận, nguyên lý “dựa trên quy tắc” với các chỉ số để đo lường, đánh giá các mặt hoạt động chính yếu của mỗi cơ sở giáo dục đại học hằng năm (với các tiêu chí theo các yêu cầu tối thiểu), định lượng phản ánh chức năng hoạt động chính của một cơ sở giáo dục đại học.