Ngọn lửa yêu nước được truyền qua nhiều thế hệ học sinh, bằng những bài học sống động ngoài trang sách, từ chính mảnh đất địa chỉ đỏ.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Trị - vùng đất từng hứng chịu mưa bom lửa đạn trong chiến tranh vẫn cháy lên “ngọn lửa” của lòng biết ơn và sự tri ân.
Thời gian này, nhiều trường học ở tỉnh Quảng Trị đồng loạt tổ chức hoạt động hướng về cội nguồn, như thăm hỏi, chăm sóc thương binh, bệnh binh, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nghĩa trang liệt sĩ; dâng hương tại di tích lịch sử, địa chỉ đỏ... Đây là nghĩa cử thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần “gieo hạt” tri ân trong tâm hồn học sinh, để lớn lên các em trở thành những công dân có trách nhiệm.
Với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), hành trình “về nguồn” như một phần không thể thiếu trong các chương trình ngoại khóa của nhà trường mỗi năm học. Bà Hà Lệ Chi - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, vào dịp lễ, Tết, 27/7, nhà trường tổ chức học sinh tham gia làm vệ sinh, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức thăm hỏi cựu chiến binh, gia đình chính sách, nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đáng nhớ, bài học xúc động khi học sinh được giao lưu với thế hệ một thời cống hiến cho đất nước, lắng nghe câu chuyện xương máu của cha ông về hành trình đấu tranh giữ nước. Qua đó, vun đắp thêm lòng tự hào dân tộc, sự biết ơn sâu sắc trong mỗi học sinh.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức cho đoàn viên đến thăm và trò chuyện với cựu chiến binh trên địa bàn. Học sinh được nghe những câu chuyện thời chiến từ ông Nguyễn Hữu Giằng (50 năm tuổi Đảng, trú ở phường Đông Lương, TP Đông Hà) và các cựu chiến binh. Ông Giằng từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, để bảo vệ quê hương.
Được gặp và lắng nghe các cựu chiến binh kể chuyện, Phan Bình Phương Nhi - học sinh lớp 11 Anh, vô cùng xúc động và cho biết, em từng đọc nhiều sách lịch sử, nói về khó khăn gian khổ thời chiến tranh. Nhưng đến khi nghe những lời tâm sự của các bác, cô, chúng em mới cảm nhận hết những khó khăn, ý chí kiên cường mà ông cha ta trải qua.
“Em thấy mình may mắn vì sống trong đất nước hòa bình, được học tập, ăn no, mặc ấm. Đây là điều hạnh phúc để em luôn nhớ và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc và thế hệ mai sau”, Phương Nhi cho hay.
Em Nguyễn Ngọc Khánh Đan (lớp 11 Văn) chia sẻ: Được đến thăm các cựu chiến binh - những người trực tiếp cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc là trải nghiệm ý nghĩa đối với em. Từng lời kể của các bác như tái hiện lại trang sử hào hùng, anh dũng của dân tộc. Trong câu chuyện, em cảm nhận rõ lòng yêu nước và tinh thần hy sinh cao cả của các bác. Dù chiến tranh ác liệt, các bác đã kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, sẵn sàng cầm súng chiến đấu vì hòa bình, dẫu chấp nhận hy sinh.
“Những câu chuyện của các bác không chỉ chia sẻ về quá khứ, mà còn thức tỉnh nhận thức sâu sắc với bản thân. Em đã có thêm bài học sống động mà không cuốn sách nào có thể truyền tải hết. Hơn nữa, em thấy mình cần trân trọng những gì đang có, sống trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và đất nước. Đặc biệt, thế hệ trẻ chúng em phải chung sức giữ lấy hòa bình”, Nguyễn Ngọc Khánh Đan bày tỏ.
Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tâm - Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tổ chức hoạt động tặng quà, đưa học sinh đến thăm cựu chiến binh là cách để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước. Từ đó, nâng cao ý thức thế hệ trẻ về giá trị hòa bình và trách nhiệm của người trẻ để giữ gìn giá trị.
Vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trường THPT Đông Hà (Đông Hà, Quảng Trị) lên kế hoạch tổ chức cho giáo viên và học sinh dâng hương tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, quét dọn khuôn viên nghĩa trang.
Thầy Nguyễn Thanh Toàn - Bí thư Đoàn Trường THPT Đông Hà trao đổi, nhà trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua hoạt động về nguồn để các em tri ân và biết ơn những người đã cống hiến vì đất nước, hiểu thêm giá trị của hòa bình.
“Sắp tới, Đoàn trường tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các cựu chiến binh, thương binh, gia đình chính sách trên địa bàn. Thông qua các hoạt động, Đoàn trường hướng tới giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu con người, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… cho học sinh”, thầy Nguyễn Thanh Toàn cho hay.
Tại Trường THPT Vĩnh Linh (Vĩnh Linh, Quảng Trị), giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là việc làm thường xuyên. Vào dịp Tết Nguyên đán, 27/7, ngày đất nước thống nhất, nhà trường tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các địa chỉ đỏ, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với đất nước.
Chia sẻ thông tin, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái đồng thời cho hay: Trong chương trình giáo dục, trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh đến tham quan di tích Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc... Tại những “địa chỉ đỏ” khác, như các di tích - nơi thành lập chi bộ Đảng, trường cũng nhận chăm sóc, thắp hương, tổ chức học sinh đến tham quan, tìm hiểu.
“Vĩnh Linh là địa bàn có nhiều di tích lịch sử nên nhà trường chú trọng giáo dục các em về truyền thống yêu nước, lòng biết ơn, tri ân các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh để mang lại nền hòa bình hôm nay”, ông Nguyễn Hữu Thái chia sẻ và nhấn mạnh: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn không còn là khẩu hiệu, mà trở thành dòng chảy ngầm trong học đường. Quảng Trị - nơi từng thấm đẫm máu và nước mắt đang trở thành nơi “gieo mầm” cho thế hệ học sinh biết nhớ và tri ân quá khứ, nỗ lực học tập xây dựng tương lai.
Đóng trên vùng “đất lửa” Vĩnh Linh, hơn 10 năm qua, Trường THPT Vĩnh Linh đảm nhận việc chăm sóc gần 5.000 phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.
Vào dịp lễ, Tết, nhà trường tổ chức cho đoàn viên, học sinh đến dâng hương, quét dọn nghĩa trang, thay cát lư hương và hoa trên các phần mộ liệt sĩ để sưởi ấm linh hồn các anh hùng, liệt sĩ và làm ấm lòng các thân nhân. Nơi đây cũng được nhà trường lựa chọn tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, kết nạp Đoàn cho học sinh.