Bệnh giang mai có thời gian ủ bệnh khá dài nên rất khó phát hiện với nhiều triệu chứng rất "tinh vi" và căn bệnh này được gọi là "kẻ bắt chước tuyệt vời" vì nó có nhiều biểu hiện tương tự các tình trạng khác như lở loét, mụn rộp và bệnh Lyme. Có những bệnh nhân giang mai ủ bệnh tới 30 năm và không có dấu hiệu bệnh rõ ràng nên rất dễ lây sang cho người khác.
Bệnh giang mai nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể tồn tại rất nhiều năm và được chia làm 2 giai đoạn là giang mai sớm và giang mai muộn.
- Giang mai sớm, gồm:
- Giang mai thời kỳ I (primary syphilis)
- Giang mai thời kỳ II (secondary syphilis)
- Giang mai kín sớm: giang mai kín (không có biểu hiện lâm sàng) và thời gian mắc ít hơn 2 năm.
- Giang mai muộn, gồm:
- Giang mai kín muộn: giang mai kín (không có biểu hiện lâm sàng) và thời gian mắc > 2 năm
- Giang mai thời kỳ III (có tổn thương ăn sâu vào tổ chức da, niêm mạc, tim mạch, thần kinh).
3. Cảnh báo số ca giang mai có xu hướng tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cung cấp dữ liệu giám sát cuối cùng cho năm 2021 và cho thấy rằng tổng thể trong một năm (2020-2021): Tỷ lệ mắc bệnh giang mai tăng mạnh, tăng gần 32% đối với các giai đoạn nhiễm trùng kết hợp. Trong số các dữ liệu về bệnh giang mai, các trường hợp mắc bệnh giang mai bẩm sinh đã tăng ở mức đáng báo động là 32% và dẫn đến 220 trường hợp thai chết lưu và trẻ sơ sinh tử vong.
Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, số lượt khám bệnh giang mai có xu hướng tăng mạnh từ 2.091 ca (năm 2014) lên đến 6.734 ca (năm 2020). Riêng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng số ca bị giang mai vẫn ở mức 5.883 ca. Tính đến 9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 6.279 ca giang mai đến khám và điều trị.
Điều đáng cảnh báo là đến nay bệnh giang mai là một trong những bệnh có xu hướng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, kiến thức của nhiều người về bệnh giang mai còn rất hạn chế cùng với tâm lý e ngại dẫn đến việc khi bệnh nhân đến khám và điều trị thường ở tình trạng rất nặng. Có trường hợp là nam có quan hệ đồng giới tuy không nhận thấy bất kỳ biểu hiện gì của bệnh giang mai nhưng do bạn tình đồng giới thông báo mình bị giang mai nên đã đi khám và nhận kết quả dương tính.
Theo BS. Đoàn Ngọc Thiện, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, giang mai khó chẩn đoán vì có người nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu nhiễm giang mai quá lâu và không điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra tổn thương lớn đến các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, não…
Ngoài ra, gần đây đã ghi nhận một số ca bệnh giang mai ác tính dù không phổ biến. Theo BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thơ - Phó trưởng khoa lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TPHCM, mới đây đã tiếp nhận hai bệnh nhân còn trẻ, một bệnh nhân 19 tuổi và một bệnh nhân 27 tuổi mắc giang mai ác tính. Cả 2 bệnh nhân đều nhiễm HIV và có quan hệ tình dục đồng giới.
BS. Nguyễn Thị Thanh Thơ cho rằng, bệnh giang mai ác tính có thời gian ủ bệnh ngắn, thường có triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp… Trên da có các biểu hiện tiến triển từ các nốt, mụn mủ thành nốt loét, mảng loét chảy dịch, trên bề mặt tạo thành lớp vảy dày như vỏ sò, màu nâu hoặc đen. Nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể diễn tiến toàn thân, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh trung ương, thị lực, thính lực, cơ xương khớp, tiêu hóa, thận - tiết niệu…
Để phòng bệnh giang mai, các bác sĩ khuyên cần quan hệ tình dục an toàn, chung thủy một vợ, một chồng. Sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục. Khi có triệu chứng nghi ngờ cần đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Thực tế, căn bệnh này có thể ủ bệnh tới 30 năm, vì thế nếu đã từng quan hệ tình dục không an toàn, cần nhận biết những dấu hiệu bệnh sớm để được điều trị đúng.
Ngoài ra, rất cần thiết tăng cường truyền thông giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao (gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) về nguyên nhân, dấu hiệu bệnh giang mai để điều trị sớm.