Giới phân tích cho rằng động thái của các nước châu Âu thuộc NATO gần đây, đặc biệt như việc (sẵn sàng) đóng cửa biên giới, là một tín hiệu quan trọng. Những bước đi này có thể nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của phương Tây nhằm khóa chặt vùng Kaliningrad của Nga.
Trong 3 nước Baltic, Lithuania trực tiếp giáp ranh Kaliningrad nên khi kết hợp với Latvia và Ba Lan có thể khiến lực lượng Nga tại đây không có nhiều cơ hội phân tán nếu chiến tranh.
Trong khi đó, Estonia giáp vịnh Phần Lan - nơi kết nối thành phố cảng St. Petersburg của Nga với biển Baltic. Nếu xung đột, nước này có thể góp phần đưa vịnh Phần Lan thành điểm nghẽn, làm hạn chế hoạt động vận chuyển hàng hải của Nga và làm phức tạp thêm các nỗ lực tiếp ứng cho Kaliningrad bằng đường biển.
Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao, hãng thông tấn Eesti Rahvusringhääling (ERR) của Estonia ngày 3/12 dẫn lời ông Jacek Siewiera - người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan (BBN) cho biết, Estonia và các quốc gia khác thuộc sườn phía Đông của NATO nói riêng, cũng như toàn bộ liên minh này nói chung, có 3 năm để chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc tấn công của Nga.
Khi được yêu cầu bình luận về bản báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) nói rằng NATO có từ 5-10 năm để chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc tấn công của Nga, ông Siewiera cho rằng khung thời gian này "có phần lạc quan".
Ông Siewiera cho rằng Estonia và các quốc gia khác thuộc sườn phía Đông của NATO có 3 năm để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Nga. Ảnh: Financial Times
"Phân tích này nhất quán với các nghiên cứu ở Mỹ. Tuy nhiên theo tôi, khung thời gian mà các nhà phân tích Đức đưa ra là quá lạc quan.
Các nước NATO ở sườn phía đông nên áp dụng khung thời gian ngắn hơn là 3 năm để chuẩn bị cho cuộc đối đầu (với Nga). Đây là thời điểm mà chúng ta phải tạo dựng được sự răn đe rõ ràng ở sườn phía đông để ngăn chặn hành vi gây hấn" – Ông Siewiera nói.
Trước đó, theo DGAP, 5-10 năm là khoảng thời gian mà Nga cần có để tái cơ cấu lực lượng vũ trang sau cuộc chiến ở Ukraine và chuẩn bị cho một cuộc tấn công về phía tây. Hướng tấn công có thể bao gồm các nước vùng Baltic.
DGAP cho rằng trong khoảng thời gian này, các nước thành viên NATO cần xây dựng và triển khai các năng lực phù hợp để ứng phó với viễn cảnh Nga tấn công.
Các nước Baltic và chiến lược khóa Kaliningrad liệu có phát huy tác dụng với Nga nếu chiến tranh? Theo tờ Newsweek, một nhà phân tích quân sự mới đây đã đưa ra dự đoán.
Cụ thể, khi xuất hiện trong chương trình do nhà tuyên truyền nổi tiếng người Nga Vladimir Solovyov tổ chức, ông Stanislav Krapivnik – nhà phân tích các vấn đề quân sự người Mỹ gốc Nga và trước đây từng phục vụ ở Quân đội Mỹ - cho rằng, các quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Lithuania sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga.
Song, cuộc chiến sẽ không kéo dài lâu bởi các quốc gia này sẽ sớm thất thủ khi đối đầu Moscow.
"Mục tiêu tiếp theo (của Nga) sẽ là vùng Baltic. Họ (các quốc gia Baltic) nói đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Nga. Vậy thì cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu? Khoảng 15 phút mà thôi" – Ông Krapivnik nói.
Newsweek cho biết, họ đã liên hệ với các chuyên gia quốc phòng khác để bình luận về nhận định của ông Krapivnik nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bản đồ mô phỏng các hướng tấn công của Nga nhằm vào thủ đô của Estonia và Latvia. Ảnh: RAND
Trước đó, vào năm 2016, tổ chức tư vấn RAND (Mỹ) đã nghiên cứu một loạt kịch bản giả định, trong đó Nga tìm cách sáp nhập thủ đô Tallinn của Estonia hoặc Riga của Latvia (hoặc cả hai), tương tự như chiến dịch ở Crimea.
Kết quả "thực sự là một thảm họa với NATO". Các lực lượng Nga có thể tiến vào hoặc tiến sát tới cổng của Tallinn và Riga trong vòng 60 giờ đồng hồ.
Cũng theo RAND, việc Nga có số lượng tiểu đoàn tác chiến trên bộ gần gấp đôi NATO và sở hữu vũ khí hạng nặng nhiều hơn hẳn so với lực lượng phòng thủ vùng Baltic thậm chí có thể khiến thủ đô của các quốc gia trong khu vực này thất thủ ngay sau 36 giờ đồng hồ, kể từ khi chiến sự nổ ra.
Tuy nhiên, lực lượng Nga giờ đây đã tiêu hao đáng kể do cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, theo Newsweek, trong suốt khoảng thời gian Moscow bận bịu với chiến dịch quân sự đặc biệt, các quốc gia Baltic đã nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Do đó các nhận định về sức mạnh áp đảo của Nga có thể không còn chính xác.