Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị thực hiện nghi thức khởi công công trình tôn tạo Khu tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ ngành GD-ĐT tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. |
Hơn 1 triệu lượt truy cập trong 1 tuần fanpage CĐGDVN là con số kỷ lục khi nói đến tính hiệu quả đổi mới cách tiếp cận, thu hút NGNLĐ đến với tổ chức CĐGDVN.
Mạnh dạn ứng dụng nền tảng số trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến, động viên, tạo động lực cho nhà giáo được CĐGDVN tận dụng triệt để. Qua đó thể hiện sự năng động, đột phá của đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, thu hút sự tham gia, quan tâm, ủng hộ của đội ngũ NGNLĐ cả nước.
Năm 2022, lần đầu tiên, giải thưởng “22/7 Công đoàn Giáo dục Việt Nam” được trao tặng nhằm ghi nhận xứng đáng với cán bộ công đoàn trường học, cơ sở giáo dục có thành tích, cống hiến đặc biệt, tạo nên kết quả cho tổ chức công đoàn ngành Giáo dục.
Họ là những cá nhân luôn nỗ lực, sáng tạo ở mỗi nhiệm vụ được giao, có năng lực đặc biệt tập hợp thu hút đoàn viên, NGNLĐ. Họ là thành tố quan trọng khẳng định vị thế tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay. Giải thưởng được tổ chức 2 năm 1 lần vào dịp kỷ niệm ngày thành lập CĐGDVN 22/7.
CĐGDVN đã chủ trì, tổ chức huy động tu sửa, cải tạo và nâng cấp 2 công trình truyền thống của ngành Giáo dục với sự tham góp của đội ngũ NGNLĐ cả nước với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Khu di tích Quốc gia Bộ Giáo dục tại xã Khuôn Trú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được nâng cấp các hạng mục mang nhiều dấu ấn lịch sử; dòng chảy thời gian gần 100 năm bào mòn, che phủ vết tích những nhà giáo đặt nền móng đầu tiên của nền giáo dục cách mạng.
Khu tưởng niệm các liệt sĩ ngành Giáo dục nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Công trình hoàn thiện như trang sách thiêng liêng ghi tạc danh thơm các chiến sĩ là nhà giáo, học sinh, sinh viên gác bút nghiên lên đường ra trận, lặng lẽ hy sinh vì Tổ quốc.
Lần đầu tiên, CĐGDVN đề xuất và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng ý tổ chức 1 chương trình với 2 phiên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với CBNGNLĐ cả nước. Đây là sự kiện lớn, được nhà giáo cả nước mong chờ, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
6.520 ý kiến, đóng góp, đề xuất và câu hỏi được NGNLĐ cả nước gửi về qua kênh của CĐGDVN và Bộ GD&ĐT tổng hợp thành các nhóm vấn đề lớn, Bộ trưởng trực tiếp trao đổi, làm rõ và trả lời. Hơn 400 điểm cầu với hơn 1 triệu NGNLĐ theo dõi trực tiếp với hàng chục câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng mỗi phiên là con số ấn tượng với những ai quan tâm tới ngành Giáo dục.
Hàng trăm bài báo, bản tin, bình luận, nhận định, phân tích lan tỏa các nội dung buổi gặp gỡ, giúp xã hội hiểu rõ hơn công cuộc đổi mới giáo dục. Những chia sẻ từ phía giáo viên tại chương trình cũng tạo động lực, truyền cảm hứng cho mỗi người, cùng nhau nhận diện rõ vị thế, trách nhiệm và nhân lên tình yêu nghề.
Một cách làm mới, táo bạo được CĐGDVN thực hiện: Tổ chức cuộc thi cho HSSV kể những câu chuyện đẹp về thầy cô - những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” với góc nhìn vô tư, trong sáng, cách thể hiện hiện đại, qua 1 công cụ văn minh đó là các video clip được chính các em thể hiện. Qua 4 mùa giải, hàng trăm tấm gương nhà giáo đẹp đẽ, trí tuệ hiện lên sinh động, lan tỏa hình ảnh lung linh về thầy cô.
Chủ tịch CĐGDVN Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh: Trong bước chuyển của nhiệm kỳ, 10 dấu ấn được lựa chọn giới thiệu hôm nay tạo động lực lớn cho đội ngũ làm công tác công đoàn ngành Giáo dục. Và như một sự khẳng định: “Hãy mạnh dạn đột phá để có thể tạo nên thành công”.