10 năm thực hiện nghị quyết 29: '3 đủ' để tiếp tục công cuộc đổi mới

24/02/2024, 12:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là chỗ dựa để thống nhất về quan điểm, tư duy, nhận thức đối với GD-ĐT...

Đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những thách thức và vấn đề cần lưu ý để thực hiện Nghị quyết hiệu quả trong chặng đường đổi mới tiếp theo.

Chuyển biến nhận thức

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT?

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, có thể thấy đây là văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, định hướng mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với phát triển GD-ĐT trong tổng thể phát triển đất nước. Thực tế triển khai sau 10 năm có thể thấy giá trị rất cao của Nghị quyết. Nhiều việc được triển khai. Nhiều việc dù tình hình có nhiều thay đổi song vẫn thấy rõ ý nghĩa soi sáng, dẫn dắt, chỉ đạo sát, đúng trong cả hiện tại và tương lai.

Nghị quyết 29 đã đề cập đầy đủ, sâu sắc đến các thành tố của GD-ĐT, cũng như những yếu tố liên quan để đổi mới. Cho nên, kết quả, việc làm được của chặng đường 10 năm qua rất nhiều. Ở đây, chỉ xin nêu một số điểm nổi bật.

Trước hết, có thể khẳng định, Nghị quyết 29 là chỗ dựa để thống nhất về quan điểm, tư duy, nhận thức đối với GD-ĐT. 10 năm qua, có sự đổi mới, chuyển biến quan trọng trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, người dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò GD-ĐT đối với sự phát triển đất nước.

Đảng ta đã xác định, “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đột phá chiến lược cho sự phát triển đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước”, từ đó đưa đến những quyết sách, phương châm, hành động khác.

Một điểm quan trọng trong 10 năm triển khai Nghị quyết 29 là việc chuyển đổi nền giáo dục từ nặng về trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bên cạnh đó, xây dựng nền giáo dục mang tính mở, tạo dựng nền tảng xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã thực hiện được bước khá quan trọng.

Thể chế hóa Nghị quyết 29 cũng đạt nhiều kết quả. Nhiều tinh thần quan trọng của Nghị quyết 29 được luật hóa. Trong đó, một số luật quan trọng của ngành Giáo dục, như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, một số luật khác có liên quan các Bộ, ngành được xây dựng, ban hành. Bên cạnh đó, văn bản dưới luật của Chính phủ, các Bộ, ngành và quy định khác đã triển khai khá đồng bộ. Thể chế đã mở đường cho đổi mới thời gian qua.

Về một số kết quả cụ thể ngành Giáo dục làm được 10 năm qua, trước hết là việc sắp xếp lại hệ thống các cấp học để tạo ra tính mở trong nền giáo dục. Đặc biệt những đổi mới đầu tiên ở giáo dục phổ thông (GDPT) với xây dựng Chương trình GDPT 2018 và đưa vào triển khai thực tế, bước đầu tạo được những thay đổi quan trọng. Việc dạy, học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, các kỳ thi quan trọng - đặc biệt Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự đổi mới theo hướng trang bị kiến thức nền tảng, phổ thông, quan trọng trong 9 năm đầu, tăng cường sự phân luồng, hướng nghiệp ở cấp THPT.

Đi cùng với thực hiện Chương trình GDPT 2018, một chủ trương quan trọng đã triển khai là huy động các nguồn lực xã hội trong đổi mới sách giáo khoa, với tinh thần “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Việc này đem đến sự chủ động cao cho cơ cở giáo dục, giáo viên, học sinh.

Chặng đường triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi được những bước quan trọng. Qua đánh giá sơ bộ của Bộ GD&ĐT và kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các đánh giá khác cho thấy, bước đầu Chương trình GDPT 2018 mang lại dấu hiệu tích cực. Sự chủ động của giáo viên, học sinh, tạo ra khí thế, tinh thần mới cho giáo dục phổ thông. Trong các bảng xếp hạng quốc tế, GDPT Việt Nam đã gia tăng đáng kể.

Giáo dục đại học cũng có bước chuyển biến quan trọng với việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, vấn đề trung tâm là triển khai tự chủ đại học bước đầu đem lại khí thế, sinh lực mới, giải phóng sức sáng tạo các nhà trường, tạo bước phát triển cho cơ sở giáo dục đại học thời gian qua.

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, giáo dục nghề nghiệp cũng có bước phát triển, tạo ra nhiều chỗ học tập cho người học, nâng cao chất lượng dạy nghề. Kết quả này được các tổ chức quốc tế, trong nước và người dân đánh giá cao.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu Nghị quyết 29 đặt ra là tăng cường xã hội hóa GD-ĐT. 10 năm qua cũng là 10 năm tỷ lệ khối trường ngoài công lập từ phổ thông đến đại học phát triển nhanh chóng, tạo nhiều cơ hội học tập cho người học và giúp cơ cấu, tỷ lệ giáo dục điều chỉnh. Đến thời điểm này, giáo dục ngoài công lập chiếm trên 20% toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.

- Làm nên kết quả nói trên có đóng góp thế nào của các địa phương, thưa Bộ trưởng?

- Từ khi Nghị quyết 29 được ban hành, từ Trung ương tới địa phương đều tích cực triển khai. Một trong những nội dung của Nghị quyết 29 là tinh thần phân cấp trách nhiệm ở Trung ương, địa phương.

Các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới GD-ĐT; ban hành Nghị quyết, kế hoạch thực hiện và Nghị quyết 29 đã triển khai trên phạm vi cả nước. Qua khảo sát, đánh giá, với tinh thần tích cực, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả quan trọng. Địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt đã tập trung đầu tư. Những nơi còn khó khăn cũng rất quyết tâm.

Nhiều lãnh đạo tỉnh xác định: Càng khó khăn càng lấy con đường đầu tư cho GD-ĐT trở thành đột phá phát triển của địa phương. Cho nên dù kết quả chưa thực sự đồng đều, nhưng nhìn chung các địa phương đã hết sức cố gắng trong điều kiện của mình để triển khai đổi mới GD-ĐT.

Đặc biệt, triển khai Chương trình GDPT 2018, giai đoạn vừa qua các địa phương đã dồn nguồn lực để chuẩn bị điều kiện và làm tốt việc triển khai; còn khó khăn, vướng mắc là những vấn đề chung, cả Trung ương và địa phương sẽ cùng tháo gỡ. Phía Trung ương phải hỗ trợ địa phương nhiều hơn; nhưng địa phương cũng cần chủ động, tích cực thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại

Còn nội dung chậm hoặc chưa triển khai

- Từ thực tiễn, theo Bộ trưởng đâu là những vấn đề khó hoặc chưa triển khai sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29?

- Nghị quyết 29 bao quát nhiều nội dung, công việc, đối tượng và yêu cầu cao, mục tiêu lớn, nhưng trong điều kiện còn hạn chế nhất định. Một số nội dung cốt lõi, trọng tâm của Nghị quyết đã thực hiện được, nhưng cũng còn phần chậm hoặc chưa triển khai, trong thời gian tới phải tiếp tục.

Nghị quyết 29 đặt ra từ sau năm 2020 thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm đối với học sinh phổ thông, nhưng đến nay chưa thực hiện được đầy đủ. Một số nội dung khác của Nghị quyết 29, quá trình thể chế hóa chưa kịp thời, đầy đủ; thậm chí một số quy định chưa đồng bộ, dẫn đến hạn chế chất lượng triển khai.

Một nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 29 là “lương của nhà giáo được bố trí ở mức cao nhất trong thang bảng lương của khối hành chính sự nghiệp” nhưng thực tế còn khó khăn nên chưa thực hiện được như mong muốn. Nghị quyết 29 cũng yêu cầu ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, nhưng thực tế chưa đảm bảo.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đội ngũ đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu cũng là một trong những trọng tâm của Nghị quyết 29. Thời gian qua, đội ngũ đã có bước phát triển quan trọng, nhưng vì nhiều lý do, tình trạng nghỉ, chuyển việc đặt ra thách thức về việc đảm bảo số lượng giáo viên các môn học mới và khu vực có yêu cầu cao về nhu cầu học tập. Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn lực cho đổi mới (số lượng trường, lớp, trang thiết bị dạy học...) còn hạn chế.

Về công tác xã hội hóa, đối chiếu với các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29, có thể thấy, việc huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội đối với giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập còn nhiều điểm nghẽn phải tích cực tháo gỡ.

Trẻ theo học tại Trường Mầm Non Bảo Ngọc (TPHCM). Ảnh: INT
Trẻ theo học tại Trường Mầm Non Bảo Ngọc (TPHCM). Ảnh: INT

Thách thức triển khai Nghị quyết 29

- Những thách thức đặt ra để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 giai đoạn tới, theo Bộ trưởng là gì?

- Chúng ta khẳng định ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29, nhưng đồng thời phải phân tích trong bối cảnh, thách thức mới, giáo dục đang đứng ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều.

Đó là thách thức mới trong phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường, công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện. Điều này khiến con người đứng trước khó khăn mới để phát triển và có cuộc sống hạnh phúc. Những yêu cầu về năng lực, kỹ năng, số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên... Đây cũng là thách thức chưa được đề cập nhiều ở thời điểm ban hành Nghị quyết 29.

Khi nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh, đời sống cao hơn nhưng đứng trước phân hóa giàu - nghèo gia tăng thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể tăng. Đây cũng là thách thức lớn.

Một thách thức khác đến từ mô hình trường học mới, phương pháp, không gian giáo dục mới thời đại số. Chúng ta phải ứng xử với hệ giá trị, cả thực và ảo, những vấn đề phi truyền thống...

Chúng ta cũng đứng trước thách thức lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và đại học. 10 năm trước, vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài chưa được bàn gay gắt, nay các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta. Trường đại học phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với các trường khác trên quy mô toàn cầu...

Học viên thực hành trong một cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa: INT
Học viên thực hành trong một cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa: INT

“3 đủ” cho chặng đường đổi mới tiếp theo

- Vậy chúng ta cần lưu ý những gì để triển khai Nghị quyết 29 hiệu quả trong chặng đường đổi mới tiếp theo?

- Với tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết 29 thì chặng đường phía trước còn nhiều việc phải triển khai. Đổi mới giáo dục khác các lĩnh vực khác, kết quả cần có thời gian mới nhìn nhận, đánh giá được đầy đủ. Cho nên, chặng đường phía trước, điều cần thiết là kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 đã đề ra. Chúng tôi mong muốn thời gian tới cần một số cái “đủ”.

Thứ nhất là đủ mức độ quan tâm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc hơn nữa.

Thứ hai là đủ về nhận thức. Nghị quyết 29 tạo ra những thay đổi quan trọng, đổi mới về tư tưởng và nhận thức, nhưng vẫn cần tiếp tục có sự đổi mới đầy đủ và toàn diện hơn, đặc biệt trước những vấn đề mới của thời đại đặt ra, để tiếp tục mở đường cho tinh thần đổi mới của GD-ĐT.

Thứ ba là đủ về nguồn lực để thực hiện. Đầy đủ nguồn lực bao gồm: Con người (giáo viên), tài chính, cơ sở vật chất - đủ trường, lớp, trang thiết bị. Có đầy đủ như thế, kết quả đổi mới mới như kỳ vọng và lớn hơn nữa trong tương lai.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đổi mới không bao giờ là việc dễ dàng mà luôn khó khăn, thử thách. Trước thềm năm mới, mong các thầy, cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, vinh quang lớn nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều. Ngành chúng ta lại tiếp tục nỗ lực phấn đấu đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, trông cậy.

Trong năm mới, toàn ngành Giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới. Chúc toàn thể nhà giáo, học sinh, quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khoẻ, thêm niềm tin tưởng để cùng ngành Giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và những giá trị tích cực. - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bài liên quan
Nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết khốc liệt bất thường nhất 10 năm qua, chuyên gia lưu ý 6 điều
Hãy bỏ túi 6 điều sau đây để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nắng nóng gay gắt của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm thực hiện nghị quyết 29: '3 đủ' để tiếp tục công cuộc đổi mới