Bên cạnh đó, công tác ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi vừa thông qua chủ trương xây dựng đề án “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành”.
Một góc Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh: VNUHCM |
- Trong quá trình triển khai, ĐHQG TPHCM gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Trong 10 năm qua, khi triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW và chương trình hành động, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, phối hợp, hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương để hoàn thành sứ mạng mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ĐHQG TPHCM còn có một số khó khăn, thách thức, cụ thể:
Dù có 6/7 trường đại học thành viên thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng chúng tôi nhận thấy tiến trình này còn nhiều thách thức. Cụ thể: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay vẫn hạn chế về đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; một số quy định về pháp luật còn thiếu đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ đại học; có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học, dẫn đến mất cân đối trong lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.
Việc cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước có lúc, có chỗ chưa được triển khai kịp thời, đồng bộ, nhất là khung pháp lý đặc thù cho Đại học Quốc gia; chưa làm rõ vị trí pháp lý và mức độ tự chủ để đưa ra chiến lược phát triển cho giai đoạn mới.
Đầu tư cho khoa học - công nghệ và giáo dục của Nhà nước chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học có tiềm năng phát triển nhanh, mạnh mẽ như ĐHQG TPHCM. Kinh phí cho nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu và có xu hướng giảm dần, nhất là so với các nước trong khu vực.
Chưa có cơ chế để các địa phương được sử dụng ngân sách đầu tư, đặt hàng cho các trường đại học nhận ngân sách từ Trung ương, trong đó có ĐHQG TPHCM.
Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
- Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, ĐHQG TPHCM sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
- Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 29 và hướng mục tiêu đến năm 2030, ĐHQG TPHCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, chúng tôi đã rà soát, xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, ĐHQG TPHCM tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả 6 nhóm chiến lược chính, gồm: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị đại học; Phát triển các chương trình đào tạo nhân tài; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập; Xây dựng Khu đô thị xanh, thân thiện, hiện đại; Phát triển nguồn lực tài chính bền vững.
Ngoài ra, vừa qua ĐHQG TPHCM đã xây dựng và hoàn thành dự thảo Đề án “Phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Đây là đề án nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chúng tôi đang lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10 năm 2023.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 27/1/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 16/CP thành lập ĐHQG TPHCM. Hiện ĐHQG TPHCM là một hệ thống gồm 38 đơn vị: 7 trường đại học thành viên (các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học và Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH An Giang); 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên); 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính); 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.