Hiện tại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo các phụ gia phản xạ nhiệt trên cơ sở vật liệu kích thước nano và ứng dụng chúng trong chế tạo sơn phản xạ nhiệt mặt trời hiệu quả cao. Sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời do Viện chế tạo đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nước ngoài và tương đương các sản phẩm nhập ngoại nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn đã được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng (mái nhà xây dựng, bồn bể chứa xăng dầu, tàu cá...).
Việc ứng dụng sơn phản xạ nhiệt mặt trời thích hợp cho bề mặt ngoài các công trình xây dựng, các bồn bể chứa nhiên liệu/hóa chất lỏng dễ bay hơi là một giải pháp hiệu quả và chi phí thấp để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ bởi thiết bị làm mát, chống thất thoát nhiên liệu/ hóa chất dễ bay hơi góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, ngăn chặn biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Năm 2023, cả nước đã có thêm nhiều ca ghép tạng thành công trong đó có các ca được đánh giá là lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Ghép đa tạng tim - thận: Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.
Ca ghép tạng xuyên Việt: Ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt, khi "quả tim" của người hiến từ TPHCM ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt-Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận.
Công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện KHCN Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021. Trải qua nhiều quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau tại đồng bằng sông Cửu Long, đến tháng 9/2023, VKIST đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ để xử lử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Công nghệ được tích hợp hệ thống keo tụ, lắng kết hợp hệ vi lọc, hệ lọc RO và cuối cùng là khử khuẩn bằng đèn UV trước khi đưa vào bình chứa nước sạch để sử dụng. Toàn bộ hệ thống được thiết kế trong container 20 feet, dễ dàng di chuyển, bảo đảm tính di động, đáp ứng nhu cầu cấp nước ăn, uống cho trường học, cụm dân cư, các cơ quan công sở và khu công nghiệp. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, hệ thống được thiết kế thông minh, chế độ vận hành tự động, dễ sử dụng. Hệ thống xử lý nước phèn, nước lợ thành nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo Quy chuẩn của Bộ Y tế QCVN 01-2009/BYT, với công suất 12 khối/ngày đêm.
Tháng 11/2023, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech, thuộc Tập đoàn Viettel) công bố triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm. Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực.
Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2023 Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 2/2023. Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.
Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học
Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, đã công bố xếp hạng Best Rising Stars of Science in the World 2023 Ranking - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới 2023. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người nước ngoài, gồm: GS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); TS. Trần Nguyễn Hải (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), TS. Thái Hoàng Chiến (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), TS. Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TPHCM, xếp hạng 762) và TS. Hoàng Nhật Đức (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).
Ở đợt xếp hạng lần này, Research.com xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa, có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới, sử dụng dữ liệu từ Google Scholar và Microsoft Academic Graph.
Lĩnh vực hợp tác quốc tế
Ngày 28/10, cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Việc khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc và đưa cơ sở này đi vào hoạt động chính là nỗ lực của Bộ KH&ĐT quyết tâm đưa NIC trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NIC sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, NIC có các hoạt động liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là từ các đối tác Hoa Kỳ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thành lập NIC cơ sở Hoà Lạc là để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất. Hiện tại, NIC cùng các đối tác nước ngoài và trong nước đang tiến hành đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam; trong đó tập trung vào các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.