Thói quen kết hợp bữa sáng và bữa trưa làm một, ngồi lâu, lướt điện thoại trước khi ngủ... đều gây tác hại dài lâu cho cơ thể.
Ảnh: iStock
Mỗi người đều có những thói quen nhỏ trong cuộc sống khiến mình vui thầm. Ví dụ, sau một ngày mệt mỏi, nhiều người nằm dài trên ghế sofa và kiểm tra điện thoại di động, ngủ đến trưa. Họ kết hợp bữa sáng và bữa trưa làm một. Những thói quen này có vẻ đem lại niềm vui nhưng lại gây ra tác hại lớn tới cơ thể.
1. Ngủ trưa ngay sau bữa ăn
Nhiều người cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn, nguyên nhân là do các loại thực phẩm chủ yếu như cơm sẽ làm tăng lượng đường trong máu, từ đó làm tăng tiết insulin và thúc đẩy sự hình thành melatonin. Melatonin là một thành phần trong nhiều loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
Nhưng nếu bạn ngủ quên vào lúc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Trong khi ngủ, quá trình nhu động (sự co bóp lượn sóng đi dọc theo đường tiêu hóa), làm rỗng và hấp thu của đường tiêu hóa sẽ chậm lại. Đối với những người có chức năng tiêu hóa kém, thức ăn đọng lại trong dạ dày có thể lên men và sinh ra khí, dễ gây đánh rắm.
Đồng thời, sau khi ăn, quá trình lưu thông máu cũng sẽ trở nên nhanh hơn theo nhu động của đường tiêu hóa. Nếu bạn chợp mắt ngay lúc này, lượng máu cung cấp cho não và toàn cơ thể sẽ bị giảm đi đáng kể, khiến cơ thể càng khó chịu hơn. Một số người sẽ cảm thấy choáng váng khi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn.
Tốt nhất bạn nên ăn ít carbohydrate tinh chế (cơm, bánh bao vào bữa trưa), đợi một lúc rồi mới đi ngủ. Ngoài ra, không nên ngủ trưa quá lâu mà nên chợp mắt trong vòng nửa giờ.
2. Cắt móng tay quá sát thịt
Ngón tay và ngón chân của con người được bao phủ bởi phần móng. Nếu móng bị cắt quá sâu, sau này chúng sẽ mọc ngược, gây ra vết thương khi chạm vào da thịt. Điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây sưng tấy và mủ.
Vì vậy, không nên cắt móng tay móng chân quá ngắn, không cắt quá sâu hai bên rìa móng và đảm bảo che kín được phần ngón tay, ngón chân và mô mềm.
3. Hay thích nửa ngồi nửa nằm
Tư thế kiểu nửa nằm nửa ngồi trên ghế sofa thoải mái nhưng rất có hại cho cơ thể con người, dễ gây căng cơ thắt lưng và các bệnh về cột sống. Ở tư thế này, một hình tam giác được hình thành giữa cơ thể với mặt ngồi và tựa lưng của ghế sofa, khiến lưng ở trạng thái lơ lửng. Lúc này, vai và thắt lưng dễ chịu tổn thương, gây áp lực cho cột sống cổ. Về lâu dài, tư thế này sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm cổ, có thể gây ra các cảm giác khó chịu như đau vai, cổ và lưng, chóng mặt và buồn nôn.
4. Tắt đèn và nghịch điện thoại
Con người hiện đại có thói quen nhìn vào điện thoại di động trước khi đi ngủ, nhưng hành động này có thể gây tổn hại cho mắt về mọi mặt. Đầu tiên, nó phá hủy cấu trúc bề mặt nhãn cầu bao gồm biểu mô giác mạc, biểu mô kết mạc. Do sự chênh lệch ánh sáng lớn giữa màn hình và môi trường xung quanh, nếu sử dụng điện thoại di động trong bóng tối trong thời gian dài, độ ổn định của bề mặt nhãn cầu sẽ bị phá hủy, đồng thời có thể xảy ra khô giác mạc và tắc nghẽn kết mạc.
Thứ hai, nó sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của áp lực nội nhãn. Trong môi trường tối, nhiều người sẽ nhìn chằm chằm vào màn hình ở cự ly gần. Khi bạn nhìn chằm chằm vào màn hình và lướt điện thoại trong thời gian dài, cơ nhãn cầu của bạn cũng tiếp tục chuyển động, làm tăng thêm áp lực nội nhãn.
Cuối cùng, nó có thể gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe của mắt. Có một mô cảm giác trong mắt con người có thể cung cấp hơn 90% thông tin thị giác, đó là điểm vàng nằm trong võng mạc. Nếu nhìn điện thoại lâu dài trong bóng tối, về lâu dài có thể mắc thoái hóa điểm vàng.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ khó ngủ có thói quen xem video trên điện thoại để buồn ngủ. Tuy nhiên, đây là thói quen tai hại. Thông tin trên điện thoại di động sẽ kích thích não bộ, gây rối loạn nhịp sinh học, khiến bạn khó ngủ hơn.
5. Ngoáy tai thường xuyên
Ráy tai có tên khoa học là cerum, nó không chỉ đơn thuần là chất bài tiết của tai mà còn bảo vệ cho ống tai, ngăn chặn vật lạ và duy trì sự cân bằng axit-bazơ để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Thông thường, nó sẽ rơi ra một cách tự nhiên khi con người nhai và cử động. Lấy ráy tai quá nhiều trong thời gian dài sẽ kích thích tiết dịch và dẫn đến nhiều ráy tai hơn. Tư thế và lực ngoáy tai không đúng có thể làm tổn thương ống tai, thậm chí chọc thủng màng nhĩ.
Hiện nay, các cửa hàng lấy ráy tai trên thị trường không bảo quản, khử trùng dụng cụ lấy ráy tai đúng cách, đồng thời có nhiều tin tức về tình trạng nhiễm nấm tai do đến tiệm lấy ráy tai gây ra. Nếu thực sự cần lấy ráy tai, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện.
6. Ngồi lâu
Nếu bạn ngồi lâu, mông sẽ trở nên phẳng và lỏng lẻo, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến bộ phận khác xung quanh mông, chẳng hạn như khiến đùi dày hơn và thường xuyên gây ra tình trạng đau nhức vùng lưng dưới.
Đồng thời, nếu người ngồi trong tư thế gập người trong thời gian dài, áp lực lên cột sống thắt lưng sẽ lớn hơn so với khi đứng, từ đó làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Hơn thế nữa, sụn khớp đầu gối của con người không có mô mạch máu mà chủ yếu dựa vào áp lực của khoang khớp để hấp thụ chất dinh dưỡng. Nếu bạn ngồi lâu và không có sự chênh lệch áp suất thì dần dà khớp sẽ thoái hóa, gây ra bệnh viêm khớp gối.
Nếu bạn muốn tránh vấn đề trên, hãy tập thể dục. Cứ mỗi giờ bạn ngồi, hãy đứng dậy và tập thể dục trong ba phút để cải thiện đáng kể sức khỏe của bạn.
7. Thường xuyên ngoáy mũi bằng ngón tay
Gỉ mũi là chất nhầy do niêm mạc mũi tiết ra, chất này được dùng để làm ẩm mũi, dính bụi từ không khí và các mảnh vụn tế bào. Việc ngoáy mũi bằng ngón tay sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi và khiến nó tiết ra nhiều chất nhầy hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Đồng thời, nếu không cẩn thận khi ngoáy mũi sẽ xảy ra hiện tượng chảy máu. Ngoài ra, móng tay của con người thường chứa chất bẩn nên việc dùng móng tay để ngoáy mũi thực chất là đang vận chuyển vi khuẩn. Mặt khác, do ngón tay khá lớn nên nếu thường xuyên ngoáy mũi, lỗ mũi của bạn có thể to hơn theo thời gian.
Nếu thực sự thấy mũi khó chịu, tốt nhất bạn nên rửa mũi bằng công cụ chuyên dụng, hoặc dùng tăm bông mềm nhúng vào nước sạch rồi đưa vào lỗ mũi để làm sạch.
8. Kết hợp ăn sáng và ăn trưa làm một
Cơ thể con người có một chiếc đồng hồ sinh học. Mỗi cơ quan sẽ ghi nhớ quy luật này và lấy nó làm cơ sở cho hoạt động của mình. Nếu một người ăn uống có quy luật rồi đột nhiên có một ngày thức khuya, ăn sáng kết hợp ăn trưa sẽ khiến hoạt động của cơ thể kém trơn tru.
Buổi sáng, dạ dày sẽ tự động tiết ra axit, nếu trong bụng trống rỗng, axit sẽ trực tiếp ăn mòn dạ dày. Vào buổi trưa, do tổng lượng bữa sáng và bữa trưa sẽ lớn hơn rất nhiều so với một bữa ăn bình thường nên dạ dày không thể tiết ra nhiều axit, sẽ gây tích tụ thức ăn. Đồng thời, khi kết hợp hai bữa làm một, lượng đường trong máu của bạn sẽ giống như tàu lượn siêu tốc, tăng giảm thất thường. Trong quá trình này, insulin của bạn không thể tiếp nhận sự kích thích và bạn có thể bỏ cuộc.
Vì vậy hãy cố gắng làm việc, nghỉ ngơi đúng giờ, ăn uống đúng bữa và cân bằng dinh dưỡng.
9. Xỉa răng bằng móng tay
Độ dày của móng tay lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa các răng của người bình thường. Hơn nữa, móng tay rất sắc, có thể làm tổn thương phần nướu. Nó còn chứa vi khuẩn mà bạn khó quan sát bằng mắt thường.
Nếu muốn xỉa răng, bạn hãy chuẩn bị tăm hoặc chỉ nha khoa, có thể loại bỏ phần lớn cặn bám mà vẫn bảo vệ sức khỏe răng miệng.
10. Bóc da môi
Môi nứt nẻ không chỉ do uống ít nước, thiếu vitamin mà còn có thể do viêm môi. Xé bỏ lớp da môi này sẽ không giúp bạn giải quyết được vấn đề.
Nếu bạn luôn bóc da môi thường xuyên, nó có thể gây ra những tác động tiêu cực. Da môi rất mỏng và có nhiều mao mạch, sẽ dễ bị tổn thương hoặc chảy máu, vi khuẩn xâm nhập có thể dẫn đến viêm môi.
Cách làm tốt nhất để loại bỏ da môi nứt nẻ là dùng khăn nóng đắp môi trong vài phút để làm mềm da chết. Sau đó dùng cọ mềm loại bỏ da chết và thoa son dưỡng môi để dưỡng ẩm.