Cha mẹ thường đặt ra những hạn chế để giữ con cái trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một số điều ngăn cấm có thể ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển và tâm lý của trẻ.
Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng và việc áp đặt quan điểm của người lớn đối với trẻ, yêu cầu trẻ tuân thủ nguyên tắc của mình đôi khi sẽ phản tác dụng, gây những căng thẳng trong cuộc sống.
Người lớn đôi khi dùng quyền hạn của mình để bắt ép con cái làm theo nhưng chưa hẳn đã tốt cho trẻ. Yêu cầu trẻ tuân thủ nguyên tắc của mình đôi khi sẽ phản tác dụng, gây những căng thẳng trong cuộc sống.
Dưới đây là một số điều cha mẹ cấm đoán khiến trẻ thấy khó chịu, bất an, nhưng phụ huynh khôn ngoan lại ít khi đặt lệnh cấm:
1. Làm rách, bẩn quần áo
Nếu có lỡ may làm bẩn áo quần thì hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, thay cho trẻ một chiếc áo mới. Ảnh minh họa
Nhiều đứa trẻ đã quen thuộc với những câu như "Làm cho nó cẩn thận, bẩn áo mẹ đánh đấy", "Nếu làm bẩn thì tự mà giặt đi, không ai giặt hộ cho đâu"... Điều này khiến con tỏ ra sợ hãi, không dám nghịch bẩn, chơi bẩn hoặc nếu có chơi cũng sẽ rất lo lắng, không biết có bị bố mẹ đánh, mắng hay không.
Điều này vô tình làm mất đi cơ hội để con được khám phá, học hỏi những điều mới mẻ. Đôi khi, cha mẹ hãy để con tự do được đùa nghịch, thỏa sức tìm tòi. Nếu có lỡ may làm bẩn áo quần thì hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, thay cho trẻ một chiếc áo mới. Tốt nhất, cha mẹ có thể phân chia các loại quần áo, đi chơi, đi học hoặc đi dự tiệc để trẻ thoải mái chơi đùa.
2. Ăn đồ ăn vặt
Cấm con mình ăn đồ ăn vặt là tình trạng xảy ra ở rất nhiều gia đình hiện nay. Khi cha mẹ cấm trẻ ăn những loại thức ăn này, sẽ trở thành điều cấm kỵ trong tâm trí trẻ và chúng sẽ ăn ngay khi có cơ hội. Vì hầu hết, mọi đứa trẻ đều rất thích đồ ăn vặt, luôn khát khao được sở hữu chúng.
Do đó, phụ huynh nên thỉnh thoảng mua đồ ăn vặt cho trẻ, để chúng hiểu rằng mình đang có đồ ăn ở nhà thay vì phải ra quán mua và ăn trong tâm thế giấu giếm.
3. Đặt nhiều câu hỏi
Việc kiên nhẫn trả lời cho trẻ không chỉ giúp chúng phát triển mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái. Ảnh minh họa
Trong giai đoạn phát triển của mỗi đứa trẻ, việc khám phá và đặt câu hỏi về thế giới tự nhiên là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, cha mẹ thường cảm thấy khó có thể trả lời tất cả câu hỏi của trẻ, đặc biệt khi họ mệt mỏi. Dù những câu hỏi liên tục của trẻ khiến bạn khó chịu, đó là cách thúc đẩy bộ não đang phát triển của chúng.
Việc kiên nhẫn trả lời cho trẻ không chỉ giúp chúng phát triển mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái. Mối liên kết này sẽ được duy trì ngay cả khi con bạn đã trưởng thành.
Theo New York Times, nghiên cứu của Đại học bang California, Fullerton (Mỹ), chỉ ra những đứa trẻ càng có động lực học sớm, chúng càng có nhiều khả năng thành công sau này. Nghiên cứu cho thấy không phụ thuộc vào IQ, những đứa trẻ đặc biệt tò mò, thích khám phá, sẽ học tập tốt và có điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Ngoài ra, trẻ phát huy khả năng tư duy như thế nào cũng phụ thuộc vào cách trả lời của cha mẹ có thể làm con hài lòng và tạo động lực cho chúng đặt nhiều câu hỏi hơn không.
4. Tiêu tiền cá nhân vào những thứ vô bổ
Theo một cuộc khảo sát, trẻ em hiện đại thường tiêu tiền cá nhân vào việc đi chơi với bạn bè, thiết bị kỹ thuật số hoặc đồ chơi, quần áo, giày dép, thức ăn hoặc tiền đi lại.
Nhiều bậc cha mẹ coi việc tiêu tiền vào những thứ đó là vô bổ là ngớ ngẩn, vì vậy họ thường cố gắng hạn chế trẻ mua những thứ không cần thiết bằng các lệnh cấm hoặc bài học. Tuy nhiên, cha mẹ nên ngừng sử dụng phương pháp này vì 2 lý do:
Trước hết, một khi bạn đã đưa tiền cho con, nó đã trở thành tài sản của chúng. Và chỉ có chúng mới có thể tự quyết định tiêu số tiền này vào việc gì. Điều này đặc biệt quan trọng trong những gia đình nơi trẻ kiếm tiền từ việc nhà.
Thứ hai, có thể hữu ích nếu một đứa trẻ tiêu tiền vào những thứ vô nghĩa và sau đó hối hận về việc làm đó. Chỉ khi làm được điều đó, chúng mới học được cách kiểm soát chi tiêu và phân biệt được những mong muốn trong thời điểm chớp nhoáng với những nhu cầu và mong muốn thực sự quan trọng.
5. Khóc
Trẻ em cảm nhận thế giới theo cách khác biệt so với người lớn. Ảnh minh họa
Câu dọa nạt thường thấy nhất mà ai trong đời cũng từng phải nghe là: "Bố/Mẹ đếm đến 3 nếu con còn khóc thì sẽ đưa con cho ông Kẹ" hay "sẽ bỏ con đi" hay "sẽ đánh đòn'…
Trẻ em cảm nhận thế giới theo cách khác biệt so với người lớn. Chúng nhạy cảm hơn rất nhiều, nên thay vì la mắng, dọa nạt hay khiến con cảm thấy xấu hổ hơn, bạn hãy nghĩ xem tại sao bé lại khóc và giải quyết vấn đề nhé.
6. Cấm trẻ nghỉ ngơi khi không muốn học
Không phải trẻ con mà người lớn đôi khi cũng có những ngày cảm thấy tâm trạng chán chường, không muốn làm bất cứ điều gì cả. Nếu con đang trong một tâm trạng như vậy mà vẫn bị cha mẹ ép buộc phải đi học thêm môn này, môn kia sẽ khiến trẻ bị ức chế.
Thành tích học tập tốt không phải là điều quan trọng, quan trọng chính là sức khỏe tinh thần và tâm lý của học sinh trong khi có quá nhiều bài tập ở trường.
Nếu bạn nhận thấy trẻ cần nghỉ ngơi, hãy cho con cơ hội để sống chậm lại và lắng nghe chính mình: Con muốn gì? Con thích làm gì? Con đang mơ về điều gì? Bởi vì đôi khi ngay cả cha mẹ cũng thật khó có được thời gian và tỉnh táo để tìm câu trả lời cho những câu hỏi đơn giản như vậy trong vòng xoáy của cuộc sống.
7. Chơi trò chơi điện tử
Theo nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học trên thế giới, trò chơi điện tử hữu ích cho não bộ của trẻ hơn là xem TV. Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học trên thế giới, trò chơi điện tử hữu ích cho não bộ của trẻ hơn là xem TV. Các hành động trong trò chơi sẽ thúc đẩy não phản ứng nhanh và rèn luyện khả năng đọc thông tin.
Điều này rất hữu ích cho trẻ trong tương lai, khi phải lớn lên và sống trong một môi trường công nghệ tiên tiến, phát triển hơn môi trường hiện tại.
8. Tức giận
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), giống như bạn, trẻ cũng có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tị với bạn bè. Giận dữ là cảm xúc bình thường và hữu ích, thể hiện phản ứng của trẻ khi cảm thấy điều gì đó không đúng hoặc công bằng.
Bạn nên nhớ rằng trẻ chưa đủ khả năng để kiểm soát bản thân. Vì vậy, chúng sẽ không ngừng bày tỏ cảm xúc của mình khi bộc phát. Cấm đoán trẻ trong trường hợp này chỉ khiến các bé ấm ức, khó chịu hơn. Lúc này, bạn nên bình tĩnh tìm hiểu vấn đề của trẻ và cùng con giải quyết.
9. Tranh luận với người lớn
Hãy lắng nghe con nói, cho con được trải lòng và ghi nhận những điều con đã chia sẻ. Ảnh minh họa
Nhiều cha mẹ cho rằng người lớn từng trải, họ hoàn toàn biết điều gì tốt, điều gì không nên những đứa trẻ bắt buộc phải làm theo, không được phép cãi lại. Thế nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Việc không cho trẻ tranh luận đồng nghĩa với việc tước đi quyền tự do ngôn luận cá nhân. Trẻ không được đưa ra chính kiến sẽ cảm thấy bị ức chế, cho rằng bố mẹ không hiểu mình.
Hãy lắng nghe con nói, cho con được trải lòng và ghi nhận những điều con đã chia sẻ. Từ đó, cha mẹ và con cái cần ngồi lại với nhau, đưa ra một hướng đi đúng hơn thay vì cãi cọ, xích mích. Qua mỗi cuộc tranh luận, cả bố mẹ và con cái sẽ thấu hiểu và học được nhiều điều hơn.
10. Có bí mật
Càng lớn, trẻ càng cần có quyền riêng tư và những bí mật. Cha mẹ có thể quan tâm cuộc sống nhưng không được xâm phạm vào sự riêng tư của bé. Việc bạn xem nhật ký, tin nhắn điện thoại của trẻ có thể đánh mất sự tin tưởng của chúng.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là trò chuyện, tâm sự và luôn tạo niềm tin cho trẻ. Khi đó, đến thời điểm thích hợp, bé sẽ chủ động nói ra những bí mật của mình để tìm kiếm những lời khuyên hữu ích từ bạn.