Xác định 2 tuyến đường sắt trên cần sớm triển khai đầu tư, nhưng theo Bộ GTVT, việc xác định nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò chủ đạo. Do tổng mức đầu tư 2 tuyến đường sắt trên tương đối lớn (trên 16 tỷ USD), Thủ tướng đã ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025, để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) chỉ kết nối với nội địa bằng đường sông và đường bộ. Do đó, Bộ GTVT nhận định, về lâu dài, giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối 2 cảng này để giảm chi phí là giải pháp quan trọng. Muốn vậy, phải đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu, khởi công trước năm 2030.
Trước đó, với sự hỗ trợ vốn ODA của Trung Quốc, Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc đã thực hiện lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đoạn kết nối từ Lào Cai với đường sắt của Trung Quốc qua Hà Khẩu.
Theo đề xuất của Tư vấn, tuyến đường bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tuyến kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc qua Hà Khẩu (Lào Cai).
Dự án đường sắt trên được phía Trung Quốc đánh giá là phần quan trọng trong tuyến đường sắt xuyên Á. Sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường sắt thông suốt khổ ray 1.435mm, với lộ trình: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh - Thành Đô - Lan Châu - Horgos (đi châu Âu). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 392 km (chỉ đi chung tuyến hiện có khoảng 12km, còn lại làm mới), đường sắt đơn khổ ray 1.435mm, kết hợp tàu khách và hàng, tốc độ chạy tàu 160km/h, với 15 đôi tàu/ngày. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước khoảng 100.000 tỷ đồng.