Đồng thời góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học; góp phần chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới;
Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học;Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các địa phương, và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong THPT, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Số đơn vị dự thi năm nay là 71 (60 Sở GD&ĐT, 11 trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT, trường ĐH, Đại học). Tổng số dự án đăng ký dự thi năm học 2021-2022: 144 dự án, 273 học sinh. Trong đó, cấp THPT có 129 dự án với 244 học sinh; cấp THCS 15 dự án với 29 học sinh.
Số lĩnh vực dự thi là 22 lĩnh vực: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lý, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lý và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.