18 kiến nghị và 8 giải pháp cho năm học mới

Công Chương | 31/07/2022, 16:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cụm thi đua số 1 (gồm các Sở GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) đã họp tổng kết năm học 2021-2022. Theo báo cáo của cụm, đại diện các Sở đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT trong năm học mới (2022-2023).

8 giải pháp trong năm học mới

Các thành viên Cụm thi đua số 1 đã thống nhất và đưa ra các giải pháp trọng tâm trong năm học 2022-2023. Tám giải pháp được nêu gồm:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW và các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực GDĐT; cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT, trong đó, thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của các cấp về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.

Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Trong đó, hướng dẫn các đơn vị trường học triển khai danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023; tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Pháp…). Các đơn vị, trường học tổ chức việc dạy học môn thể dục tự chọn theo năng lực của học sinh; đa dạng hóa các câu lạc bộ trong nhà trường. Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.

18 kiến nghị và 8 giải pháp cho năm học mới  ảnh 1
Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh 10 năm học 2022-2023.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo các quy định của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức tuyển dụng và bố trí giáo viên đáp ứng được yêu cầu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa; trong đó, cơ bản đảm bảo giáo viên dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học cấp tiểu học theo quy định từ năm học 2022-2023. Triển khai xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi Bộ GD&ĐT ban hành các thông tư mới về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018.

Kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chính thức về việc điều chỉnh lộ trình học phí, nhất là học phí năm học 2022 – 2023.

Kiến nghị điều chỉnh bổ sung một số quy định

Bên cạnh các giải pháp trong năm học mới, Cụm thi đua số 1 cũng đưa ra 18 kiến nghị đối với Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Đối với Chính phủ, Cụm kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể việc phân loại trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục năm 2019; Sớm có chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các Thành phố lớn như Hà Nội,TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác, giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập; Sớm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; chuẩn giám đốc, phó giám đốc trung tâm; chuẩn xếp hạng trung tâm; tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trung tâm;

Ngoài ra, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/1/2020 của Chính phủ về quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định mỗi cơ sở giáo dục không quá 2 cấp phó. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục có số lớp nhiều. Do đó, Cụm đề xuất tùy theo quy mô của cơ sở giáo dục mà quy định số lượng cấp phó cho phù hợp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017, cho phép Nhà đầu tư có quyền sử dụng hoặc thuê quyền sử dụng khu đất có mục đích sử dụng chưa phải đất giáo dục dùng để đầu tư xây dựng, cải tạo vào mục đích thành lập trường, có cam kết sử dụng vào mục đích làm cơ sở giáo dục thời hạn tối thiểu 5 năm thì có thể xem xét chủ trương cho phép thành lập và cấp phép hoạt động giáo dục với thời hạn cấp phép không quá 5 năm/1 lần, với điều kiện phù hợp với mạng lưới trường lớp thực tế tại địa phương.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có cơ sở để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp với chương trình khác của nước ngoài: cần có điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo quyền lợi của các học sinh đã theo học chương trình trước đó; Điều chỉnh tỉ lệ học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Bổ sung quy định đối với thay đổi Nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đối với nhà đầu tư nước ngoài nói riêng; mở rộng cho phép trường công lập tự chủ có thể thực hiện liên kết giáo dục, chương trình tích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thành phố.

Cụm kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018 đối với các cơ sở giáo dục Đại học để đáp ứng nhu cầu giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; Hướng dẫn cơ chế bố trí kinh phí ký hợp đồng giáo viên thiếu so với định mức quy định của Bộ tại các cơ sở giáo dục không có nguồn thu; Xem xét có thêm những định hướng mới, như cho phép tổ chức các trung tâm hỗ trợ học sinh học tập các nhóm môn học đặc thù; Xây dựng biểu cơ cấu tỷ lệ giáo viên môn học của Chương trình GDPT 2018 để thống nhất trong toàn quốc.

Sớm ban hành Chương trình GDTX cấp THPT (trong đó quy định cụ thể số lượng giáo viên các bộ môn làm căn cứ tuyển dụng bổ sung giáo viên); tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán; hướng dẫn triển khai bồi dưỡng đại trà cho toàn bộ giáo viên thực hiện Chương trình; Ban hành Thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX.

Cụm đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 7 Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT.

Liên quan việc học sinh giỏi Quốc gia, cụm đề nghị tổ chức thi học sinh giỏi Quốc gia đối với môn ngoại ngữ đã có triển khai dạy học tại 5 Thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT của Chương trình GDPT 2018 để các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương thuận lợi trong công tác xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường; Giao quyền chủ động cho địa phương về việc giao chỉ tiêu lớp thường và xem xét bổ sung hoặc giao tự chủ trong công tác tuyển thẳng học sinh giỏi vào các trường THPT Chuyên giúp tỉnh thành thực hiện các cơ chế đặc thù phát triển của các địa phương.

Sớm ban hành thông tư thay thế về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; và danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Có văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn đối cũng như chính sách quản lí với đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên người Việt Nam và giáo viên người nước ngoài ở các trường có yếu tố nước ngoài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
18 kiến nghị và 8 giải pháp cho năm học mới