Trong nhật kí, cô Lan Phương chia sẻ, dù đã tổ chức các đợt tập huấn nhưng tôi vẫn thấy nhiều giáo viên trăn trở.
Dịch Covid-19 buộc chúng tôi phải học thật nhanh, cập nhật thật nhanh, thay đổi cũng thật nhanh...để đáp ứng tình hình mới. Và để làm được điều đó là kết quả của bao ngày dán mắt vào màn hình máy tính.
Gánh nặng hơn, áp lực hơn khi bản thân cô lại là Phó Hiệu trưởng - một người quản lý của nhà trường. Cô cho biết, vào buổi tối, mỗi khi về nhà, điện thoại đổ chuông liên tục vì những cuộc gọi từ cán bộ, giáo viên của mình bởi những vấn đề đang gặp phải. Từ việc có học sinh bỏ tiết, không chịu học, phụ huynh thiếu sự hợp tác, chương trình dạy học thay đổi…. đến vấn đề đường truyền bị lỗi.
Cô tâm sự: "Chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc như thế. Nhưng dường như chỉ cần làm cho học sinh bớt thiệt thòi, bớt áp lực khi học trực tuyến, việc gì chúng tôi cũng làm, cũng cố gắng khắc phục được.
Ngôi trường bao ngày vắng bóng học sinh... Tôi thèm nghe một tiếng trống trường, nghe tiếng vui đùa của học sinh, thèm nhìn thấy những tà áo dài của đồng nghiệp…. Covid -19 khiến cho những điều vốn tưởng như bình thường, giờ trở nên thật quý giá."
Chia sẻ với Giáo dục Thủ đô, cô Lan Phương nói, dạy trực tuyến dù cố gắng đến mấy cũng không đem đến sự phát triển toàn diện cho học sinh. Học trực tuyến lâu dài có thể ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ.
“Nhân ngày 20/11, xin chúc các thầy các cô lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các đồng nghiệp của tôi, đặc biệt là ngôi trường THCS Minh Khai luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình trong sự nghiệp trồng người, trong công cuộc đổi mới của đất nước. Mong các em học sinh được sớm tiêm vắc xin để các em sớm có thể quay trở lại học khi tình hình dịch bệnh ổn định…”, cô Lan Phương mong muốn.