4 vấn đề nóng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo ở phiên chất vấn Quốc hội

Khánh Ly | 10/11/2021, 20:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày mai 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ báo cáo và trả lời chất vấn tại Quốc hội 4 nhóm vấn đề nóng.

Dự kiến 4 nhóm vấn đề được Bộ trưởng "đăng đàn" trả lời gồm:

Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giảm tải chương trình học cho học sinh ra sao; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học .

Trước đó vào ngày 9/11, ở phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ sự lo ngại khi việc học trực tuyến kéo dài dẫn đến chất lượng dạy và học chưa được đảm bảo. Nhiều học sinh khó tiếp cận việc học do thiếu trang thiết bị học trực tuyến.

"Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè", đại biểu Hà nói.

PSG Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng đóng cửa trường ngay khi phát hiện F0 là cách làm dễ, an toàn, tránh rủi ro về trách nhiệm cho lãnh đạo trường học, địa phương nhưng quá cực đoan.

Theo bác sĩ Dũng, trường học là môi trường có nguy cơ lây lan dịch bệnh thấp. Khi phát hiện học sinh, giáo viên mắc bệnh, cách ly người nghi mắc bệnh, xét nghiệm là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, nếu xác định không có nguy cơ lây lan trong lớp học, nhà trường có thể cho thành viên còn lại của lớp đi học bình thường.

"Cứ phát hiện một, hai ca mắc Covid-19 trong trường rồi cho toàn bộ học sinh nghỉ thì không biết đến bao giờ các em mới đến trường ổn định. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, khoảng sau 10-15 ngày, các trường học quy mô khoảng 1.000 học sinh đều có thể ghi nhận một vài ca mắc Covid-19", bác sĩ Dũng nói.

Ông cho rằng điều cấp thiết hiện nay là ngành giáo dục và y tế cần xây dựng hướng dẫn chung cho các địa phương xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Bao nhiêu ca F0 trong một lớp thì cho lớp đó nghỉ, bao nhiêu lớp nghỉ thì cần cho trường đóng cửa?

TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng những bất cập về điểm chuẩn năm 2021 một lần nữa cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp. Các trường đại học cần một mô hình thi cử khác để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Tuy nhiên, thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết về cơ bản được giữ nguyên. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian do Bộ GD&ĐT quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh cho phù hợp tình hình dịch bệnh tại địa phương.

TS Phạm Ngọc Duy, làm việc tại Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS), cho rằng Bộ GD&ĐT nên chuyển dần kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương tổ chức trong những năm tới. Chúng ta chưa thể bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng có thể làm cho nó thuận tiện, ít áp lực hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Duy đề xuất giải pháp Việt Nam nên đổi mới thi cử sao cho hiệu quả và bền vững. Thứ nhất, về tầm nhìn, ngành giáo dục nên hướng tới xây dựng một hệ thống thi cử mạch lạc, linh hoạt, công bằng và tiếp cận được với các chuẩn mực quốc tế.

Mạch lạc là nên tách riêng việc cơ quan hoạch định chính sách thi cử với cơ quan thực hiện các hoạt động chuyên môn về thi cử. Sự mạch lạc này sẽ làm cho hoạt động thi cử được chuyên nghiệp và huy động được nguồn lực của xã hội tốt hơn.

Linh hoạt là nên làm cho công tác khảo thí đáp ứng được đa dạng nhu cầu khác nhau của thí sinh, các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo nghĩa này, các kỳ thi phải thuận tiện hơn cho thí sinh. Sĩ tử có thể thi nhiều lần trong năm. Các kỳ thi cần được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, thông qua phương tiện khác nhau.

Công bằng có nghĩa là nội dung đề thi cần được xây dựng không tạo bất lợi cho bất cứ nhóm thí sinh nào và việc tổ chức thi không tạo lợi thế cho bất cứ nhóm thí sinh nào. Việc làm được đề thi giống của thế giới là không dễ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, chúng ta nên tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và chuẩn mực quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển công tác khảo thí.

Bài liên quan
Lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Giáo dục Nghề nghiệp về Phát triển Kỹ năng
(GDTĐ) - Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), phối hợp cùng Viện Công nghệ và Kỹ năng New Zealand cùng tổ chức Skills Consulting Group lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Giáo dục Nghề nghiệp về Phát triển Kỹ năng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 vấn đề nóng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo ở phiên chất vấn Quốc hội