Sử gia Lý Diên Thọ (tác giả cuốn Bắc sử) và sử gia Tư Mã Quang (tác giả cuốn Tư trị thông giám) đánh giá sự kiện diệt tộc Sơn Hồ là bước ngoặt trong sự nghiệp cai trị của Văn Tuyên Đế Cao Dương.
Từ năm 554, Cao Dương thể hiện bản thân là con người tàn bạo, tính cách thất thường. Đặc biệt, ông mắc chứng nghiện rượu ngày càng nặng. Mỗi lần say rượu, ông thường cầm kiếm chém giết bừa bãi.
Theo Bắc sử, để thỏa mãn Cao Dương, Dương Âm đã đưa đến cho nhà vua những nhóm tù nhân bị kết án tử. Mỗi khi Cao Dương muốn giết ai đó, các nhóm tử tù sẽ được đưa tới cho ông chém giết. Nếu ai còn sống sau cuộc tàn sát, người đó sẽ được thả ra.
Năm 555, Cao Dương nổi cơn ghen, ông giết và chặt đầu một phi tần của mình vì nghi ngờ nàng có quan hệ tình ái với Cao Nhạc – tướng quân triều Bắc Tề. Bản thân Cao Nhạc bị ép phải tự sát.
Trong bữa tiệc, Cao Dương ném đầu phi tần bị giết ra khiến các quan lại khiếp sợ. Cuối cùng, Cao Dương cho phép chôn cất người phụ nữ xấu số và bắt đầu khóc lóc.
Cùng năm 555, Cao Dương cho rằng Phật giáo và Đạo giáo nên được sáp nhập làm một. Ông tổ chức một cuộc thi và ép các tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo tranh luận với nhau. Cao Dương kết luận Phật giáo thắng và buộc các tu sĩ Đạo giáo phải cạo đầu làm sư, ai bất tuân sẽ bị xử tử.
Cao Dương cũng ra lệnh cấm Đạo giáo ở Bắc Tề.
Theo Tư trị thông giám, Cao Dương có lần vi hành và hỏi người đàn bà trên đường: “Thiên tử ra sao?”.
Người đàn bà đáp: “Điên điên khùng khùng, có thiên tử nào đâu”.
Cao Dương lập tức ra lệnh chặt đầu người đàn bà.
Theo Bắc sử, mùa thu năm 559, Cao Dương mắc bệnh nặng. Hầu hết sử gia Trung Quốc cho rằng, căn bệnh bắt nguồn từ chứng nghiện rượu của ông.
Thời điểm cận kề cái chết, Cao Dương không ăn uống được gì mà chỉ muốn uống rượu. Dường như có một vật cứng nào đó mắc ở cổ họng khiến ông khó thở, không ăn uống được và qua đời.
Theo Sohu, Cao Dương uống rượu quá độ nên ông mắc chứng biếng ăn nặng.
Trong đám tang của Cao Dương, ngoại trừ Dương Âm, không ai khóc mà chỉ vờ than thở lấy lệ.
3. Chết trong nhà vệ sinh
Tấn Cảnh Công Cơ Cứ (599 TCN – 582 TCN) là vua nước Tấn, một nước chư hầu của nhà Chu vào thời Xuân Thu. Dưới thời trị vì của ông, nước Tấn củng cố được vị thế bá chủ các nước chư hầu và buộc nước Trịnh, nước Tề, nước Lỗ phải thần phục.
Năm 591 TCN, Tấn Cảnh Công ra lệnh tấn công nước Tề. Nước Tề thua trận, phải gửi con tin và thần phục Tấn.
Năm 589 TCN, nước Tề đem quân đánh nước Lỗ - một nước đã thần phục Tấn. Tấn Cảnh Công hợp quân 4 nước Tấn, Lỗ, Vệ và Tào đánh Tề. Quân Tề thua to.
Năm 588 TCN, Tề Khoảnh Công phải sang chầu vua Tấn. Tề Khoảnh Công muốn tôn Tấn Cảnh Công lên làm vua chư hầu (thay nhà Chu đã suy yếu), nhưng Tấn Cảnh Công không nhận lời.
Năm 587 TCN, Tấn Cảnh Công ra lệnh tấn công nước Trịnh. Nước Trịnh phải thần phục nước Tấn. Trịnh Thành Công (vua nước Trịnh) thậm chí còn bị nước Tấn bắt làm con tin.
Các sự kiện này đều được ghi chép lại trong cuốn Tả thị Xuân Thu – tác phẩm lịch sử viết về các sự kiện xảy ra ở Trung Quốc từ năm 722 - 468 TCN.
Theo đó, Tấn Cảnh Công được mô tả là người giỏi đối ngoại, nhưng kém đối nội.
Năm 583, Tấn Cảnh Công tin lời vu cáo của 2 đại thần là Trang Cơ và Loan Thư, đã trị tội cả nhà họ Triệu.
Triệu Đồng, Triệu Quát là 2 viên tướng có tài bị Tấn Cảnh Công giết oan. Nhiều người trong gia tộc họ Triệu bị xử tử. Tấn Cảnh Công cũng thu hết đất phong của nhà họ Triệu.
Hai năm sau, Tấn Cảnh Công đột tử. Thông tin về cái chết của ông đến nay chưa rõ ràng.
Theo Đông Chu liệt quốc (tiểu thuyết dã sử về thời Xuân Thu), sau khi giết oan cả nhà họ Triệu, Tấn Cảnh Công bị nguyền rủa nên mắc bệnh nặng.
Năm 581 TCN, một thầy bói nổi tiếng được vời đến xem vận mệnh của Tấn Cảnh Công. Thầy bói phán: “Chúa công sẽ không kịp ăn lúa mới năm nay”, ý nói Tấn Cảnh Công sẽ chết ngay trong năm.
Tuy nhiên, lúc này ở nước Tấn, nhiều nơi đã có lúa chín.
Khi lúa mới dâng tới cung, người thầy bói vẫn một mực tin vào những gì mình tiên đoán. Tức giận, Tấn Cảnh Công ra lệnh xử tử thầy bói và ra lệnh nấu cháo bằng lúa mới thật nhanh.
Kỳ lạ thay, khi cháo dâng tới thì Tấn Cảnh Công bỗng đau bụng dữ dội. Ông vội gọi người cõng tới nhà vệ sinh. Vì vội vàng, Tấn Cảnh Công ngã xuống hố phân mà chết.
Tuy nhiên, theo Tả thị Xuân Thu, Tấn Cảnh Công khi đi vệ sinh, bị ngã và tử vong.
Về cái chết bí ẩn của Tấn Cảnh Công, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Trung Quốc – ông Tan Jiancui – cho rằng, Tấn Cảnh Công chết đột ngột do bệnh tim.
Theo ông Tan, ở thời phong kiến, nhà vệ sinh của các quý tộc không được đào quá sâu. Lý do là nó có thể gây khó khăn cho việc dọn dẹp và mùi hôi bốc lên. Vì vậy, việc một người chết đuối trong hố phân là cực kỳ khó.
Chuyên gia Tan đánh giá chi tiết Tấn Cảnh Công chết đuối trong hố phân chỉ là hư cấu.
Ông Tan cho rằng, Tấn Cảnh Công đã phát bệnh đột ngột và chết khi đi vệ sinh. Rất có thể ông mắc bệnh tim.