3 lưu ý khi dùng thuốc say xe bạn nên biết

26/12/2023, 11:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với những bạn bị say xe, mỗi lần đi xe 4 bánh là mỗi lần chật vật. Có phải, chỉ cần tưởng tượng đến mùi xe là đầu óc bạn đã bắt đầu quay cuồng. Khi đó, thuốc say xe gần như là giải pháp duy nhất giúp bạn có những chuyến đi êm ả hơn.

Những tưởng, việc dùng thuốc tưởng như đơn giản, nhưng xung quanh thuốc say xe vẫn có những lưu ý rất quan trọng. Cụ thể đó là gì, bạn hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau, dưới những chia sẻ của Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.

Thuốc say xe hoặc miếng dán say xe - chỉ được 1 trong 2

Vì muốn tăng cường tác dụng chống say xe, không ít bạn đã nghĩ đến việc, vừa uống thuốc say xe, vừa dùng miếng dán say xe. Vì có thể bạn đã nghĩ, dùng 2 cách sẽ cho hiệu quả tối ưu hơn 1 cách. Nhưng, điều này lợi bất cập hại. Bạn sẽ hiểu rõ điều này hơn, thông qua giải thích của Dược sĩ Hiền, như sau:

“Nói đến miếng dán, nhiều người nghĩ rằng chúng chỉ có tác dụng ngoài da. Nhưng thực chất hoạt chất trong miếng dán có thể thấm qua da, vào máu, từ đó cho tác dụng toàn thân. Bởi vậy mà, nếu bạn vừa dán vừa uống, thì cũng giống như bạn nạp một lần 2 loại thuốc say xe. Do đó, chúng ta chỉ được dùng 1 trong 2 loại, hoặc là thuốc uống, hoặc là miếng dán say xe”

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ 3 lưu ý khi dùng thuốc say xe - 1

Đã uống thuốc say xe, thì không được dùng miếng dán say xe

Như vậy, việc dùng chung thuốc say xe và miếng dán là điều không nên. Do đó, trong chuyến xe kế tiếp, hãy lưu ý tuyệt đối không dùng đồng thời miếng dán say xe và thuốc say xe, bạn nhé!

Tránh uống thuốc khi bụng đói

Nhiều bạn nghĩ rằng, để bụng đói ắt sẽ không phải nôn khi đi xe nữa. Có thể vì bạn cho rằng, khi bụng không còn gì, thì sẽ không còn gì để nôn.

Nhưng, điều này không hề giúp bạn bớt say xe hơn. Mà ngược lại, bụng đói lại làm chúng ta dễ say hơn. Và Dược sĩ Hiền đã giải thích một cách cặn kẽ, rằng:

“Say xe xảy ra khi chuyển động chúng ta nhìn thấy khác với những gì tai trong cảm nhận được. Khi sự sai lệch này xảy ra, say xe làm chúng ta cảm thấy buồn nôn và nôn. Như vậy, say xe không liên quan gì đến cái bụng của mình cả. Do đó, dù có đói đi nữa, thì say xe vẫn sẽ làm chúng ta nôn”

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ 3 lưu ý khi dùng thuốc say xe - 3

Tránh dùng thuốc say xe khi bụng đói

Không dừng lại ở đó, Dược sĩ còn chia sẻ thêm: “Mặc dù, đói hay no không quan trọng khi bạn bị say xe. Nhưng điều này lại quan trọng khi dùng thuốc. Với chiếc bụng no vừa đủ, chúng ta sẽ hạn chế được việc kích ứng dạ dày của thuốc” Đó là lý do vì sao, bạn nên có một bữa ăn nhẹ vừa đủ no trước khi dùng thuốc, và chuẩn bị tinh thần thoải mái trước khi lên xe.

Đã uống rượu bia thì không uống thuốc say xe

“Không nên uống rượu bia sau khi dùng thuốc” là lời dặn mà Dược sĩ Hiền đang công tác tại nhà thuốc Việt đã gửi đến quý độc giả khi dùng thuốc say xe. Đây là lưu ý quan trọng mà chúng ta cần lưu ý, đặc biệt là những ngày cuối năm, khi mà rượu bia và di chuyển là điều khó có thể tránh khỏi.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ 3 lưu ý khi dùng thuốc say xe - 4
Lưu ý: Không uống thuốc say xe khi đã uống rượu bia

Khi hỏi về lý do, không được uống thuốc say xe khi dùng rượu, dược sĩ Hiền đã giải thích như sau: “Vì thuốc say xe có thể làm tăng tác dụng của cồn, do đó khi dùng chung, chúng làm bạn “say” hơn, vừa say rượu, mà còn say xe”

Vì vậy, để cơ thể bạn bớt mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi cho đến khi hết rượu, trước khi dùng thuốc say xe. Ngoài ra, nếu cần thiết, bạn có thể dùng thêm một số loại giúp giải rượu để cơ thể nhanh đào thải cồn ra ngoài cơ thể hơn.

Như vậy, qua những chia sẻ trên, mong rằng bạn đã hiểu hơn về những lưu ý khi dùng thuốc say xe. Hy vọng rằng, những điều đó sẽ giúp bạn có những chuyến đi bình yên hơn với cơn say của mình. Chúc cho bạn sớm làm chủ được cơn say xe, để những chuyến đi không còn là nỗi ám ảnh với bạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 lưu ý khi dùng thuốc say xe bạn nên biết