Khoảng cách lớn nhất giữa tôi và con trai là việc học. Tôi lo cháu không tạo được nền tảng tốt, sẽ tụt lại phía sau, không được nhận vào trường cấp 2 trọng điểm. Vì vậy, ngay từ năm lớp 1, tôi đã lập một kế hoạch học tập nghiêm ngặt, yêu cầu cháu phải chăm chỉ hơn các bạn cùng trang lứa.
Tôi lấp đầy tất cả thời gian rảnh rỗi của con bằng việc đọc sách, làm bài, học trực tuyến, xem lại các câu hỏi sai và xem trước bài học mới. Đứa trẻ như con quay, còn tôi đứng phía sau lấy roi đánh, thúc giục. Mỗi khi con hoàn thành một nhiệm vụ, con phải tiếp tục nhiệm vụ tiếp theo cho đến khi xong tất cả các kế hoạch trong ngày.
Tôi nghĩ những bài tập áp lực cao như vậy sẽ giúp con nắm kiến thức chắc hơn, hình thành thói quen tự giác tốt. Tuy nhiên, hiệu quả học tập của con trai tôi ngày càng thấp, sự mệt mỏi ngày càng cao và sự phản kháng đối với tôi ngày càng lớn.
Một người bạn là giáo viên nói với tôi: "Chính bạn là người làm suy yếu quyền tự chủ của con. Tất cả các kế hoạch bạn lập cho con mình thực ra là để đạt được mục tiêu của bạn. Những quyết định mà bạn đưa ra khiến trẻ luôn ở trong trạng thái "Con cần làm điều đó" thay vì "Con muốn làm điều đó".
Chúng ta yêu cầu đứa trẻ đạt điểm cao và điểm cao do đứa trẻ chủ động có được sẽ mang lại những cảm xúc tâm lý hoàn toàn khác nhau. Áp lực thành tích sẽ chỉ làm con bạn mất năng lượng. Ngược lại, đánh thức động lực bên trong của đứa trẻ, cảm giác thành tựu mà đứa trẻ có được sẽ biến thành một động lực liên tục và mạnh mẽ, không ngừng thúc đẩy. Càng học nhiều, trẻ sẽ càng tràn đầy năng lượng.
Tôi luôn cảm thấy rằng tính cách lười biếng học hành của con là do con trai tôi sinh ra đã nổi loạn và khó quản lý. Cho đến một lần, đến thăm nhà mới của cô bạn thân, tôi thấy nhà mới của cô ấy không lắp tivi, toàn bộ vách tivi được biến thành giá sách. Người bạn thân nhất và con gái đang ngồi trên sàn, mỗi người cầm một cuốn sách và đọc.
Cảnh tượng đó khiến tôi chợt nhận ra: Hóa ra cách tốt nhất để làm điều bạn muốn con mình làm là cùng con làm điều đó. Nếu bạn muốn con bạn thích đọc sách, bạn phải chọn sách. Nếu bạn muốn con bạn làm việc chăm chỉ, trước tiên bạn phải hành động như thể bạn đang làm việc chăm chỉ.
Bạn phải làm gương và tạo ra bầu không khí học tập tuyệt vời cho trẻ, truyền cho trẻ tinh thần và dẫn dắt trẻ hành động. Còn việc thúc giục, ép buộc, la hét chỉ thay đổi ngắn hạn mà không thực sự tác động thái độ lâu dài của trẻ. Không làm gương tốt cho con cái là thất bại lớn nhất của tôi.
Điều tôi hối hận nhất bây giờ là đã làm mất hứng thú học tập của con trai mình.
Con trai tôi không thể đạt điểm cao trong kỳ thi, vì vậy tôi nghĩ rằng đó là do cháu không chăm chỉ, không nghiêm túc và không quan tâm việc học. Điểm số của con trai tôi sa sút so với lần trước, và tôi nghĩ rằng đó là do cháu ham chơi, lười biếng.
Con trai tôi đã tiến bộ hơn nhưng tôi vẫn nghĩ cháu chưa đủ chăm chỉ và đủ động lực. Tôi lấy điểm số để đo lường mọi thứ về con trai mình, như thể chỉ có điểm số mới là lý do khiến tôi yêu con. Tôi nghĩ rằng những tiêu chuẩn cao và yêu cầu khắt khe như vậy sẽ khiến con trai tôi nhận ra sự thiếu sót của mình và sau đó dũng cảm tiếp tục tiến lên phía trước.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Con trai tôi ngày càng thờ ơ với điểm số, ngày càng chán học và ngày càng chán ghét tôi. Sau cùng tôi nhận ra, không đạt điểm tối đa cũng chẳng sao cả. Điều quan trọng là con hạnh phúc, con có chính kiến của riêng mình về những việc cần làm.
Vâng, tại sao tôi không hiểu sớm hơn: Đừng mù quáng theo đuổi điểm số cao hay thấp, mà hãy chuẩn bị đầy đủ cho sự trưởng thành sau này của trẻ.
Việc trẻ bị ép học hay thích học sẽ quyết định trẻ có thể kiên trì trên con đường học tập được bao lâu và đi được bao xa. Giáo dục không bao giờ là thành tựu một lần. Mỗi đứa trẻ đều có chiếc đồng hồ của riêng mình, chỉ cần chúng ta khơi dậy hứng thú và giữ nhiệt huyết học tập của con, một ngày nào đó trẻ sẽ tích lũy đủ kiến thức và giành lấy tương lai của mình.
Lần đầu tiên có người nói rằng cách giáo dục của tôi là sai lầm, tôi rất không phục. Tôi tự nhủ: Con của mình, mình có quyền. Khi vấn đề của đứa trẻ ngày càng mất kiểm soát, tôi tự an ủi: "Mình cũng là lần đầu làm mẹ".
Nhưng sau khi bị thực tế phũ phàng đánh cho một trận tơi bời, cuối cùng tôi cũng hiểu ra: "Mình phải thay đổi". Con cái còn nhỏ, vẫn còn hy vọng, và tôi vẫn còn cơ hội làm một người mẹ tốt. Với thái độ yêu thương, mọi thứ thường trở nên tốt đẹp hơn.