Lúc 1h30 sáng, Olga Romanova, một thường dân 26 tuổi tự mình hành động, bước vào rạp hát, một mình vượt qua hàng rào cảnh sát. Cô bước vào rạp hát và bắt đầu thúc giục các con tin đứng lên chống lại những kẻ bắt giữ họ. Những kẻ khủng bố nghĩ rằng cô là đặc vụ của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và bắn chết cô vài giây sau đó.
Sang ngày thứ hai, 24/3/2002, Chính phủ Nga cho phép những kẻ bắt giữ có cơ hội rời đến bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Nga hoặc Chechnya nếu thả tất cả con tin mà không hề hấn gì. Tuy nhiên, nhóm khủng bố lặp lại yêu cầu Nga rút khỏi Chechnya ngay lập tức và vô điều kiện.
Những kẻ bắt giữ con tin yêu cầu nói chuyện với Joseph Kobzon, một thành viên quốc hội và ca sĩ, cũng như với các đại diện của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế. Kobzon đi cùng ba người, trong đó có một người vẫy tấm vải trắng, bước vào tòa nhà vào khoảng 13h20. Ngay sau đó, một người đàn ông là công dân Anh khoảng 60 tuổi, tỏ ra yếu ớt và quẫn trí, được thả. Một phụ nữ và ba đứa trẻ, được cho là người Nga, cũng được thả ra ngoài vài phút sau đó.
Một số nhân vật chính trị và công chúng nổi tiếng khác cũng tham gia đàm phán với những kẻ bắt giữ song tình hình không mấy tiến triển.
39 con tin sau đó được những kẻ khủng bố tiếp tục thả nhưng chúng thông báo sẽ bắt đầu bắn các con tin còn lại nếu Nga không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của chúng.
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi hai con tin yêu cầu được sử dụng nhà vệ sinh, rồi trèo qua cửa sổ xuống đường bỏ trốn. Những kẻ khủng bố phát hiện và bắn đuổi theo sau, buộc một trong những người lính đặc nhiệm đã bắn trả để yểm trợ, một người lính đã bị trúng đạn và bị thương nặng. Các con tin kể lại, sau vụ tẩu thoát đó, nhóm khủng bố trở nên liều lĩnh hơn.
Khoàng 5h sáng, ngay trước bình minh ngày 26/10, nhà chức trách Nga quyết định lệnh cho các lực lượng đặc nhiệm “Alpha” và “Vympel” với sự hỗ trợ của SOBR, một đơn vị lực lượng đặc biệt phản ứng nhanh của Bộ Nội vụ Nga, hành động. Họ tiến hành bao vây và tấn công đột kích tòa nhà từ mái cùng mọi cửa ra vào nhằm giải cứu con tin.
Trước khi đột nhập vào bên trong nhà hát, lực lượng đặc nhiệm Nga đã bơm vào bên trong một loại khí làm tê liệt hệ thần kinh và tiêu diệt các tay súng khủng bố.
Những ngọn đèn rọi chiếu lối vào chính của nhà hát đã tắt. Các đám khói bắt đầu xuất hiện. Các tay súng cũng như con tin nhanh chóng nhận ra sự xuất hiện của một loại khí bí ẩn qua hệ thống thông gió hoặc từ bên dưới sân khấu.
Những tay súng, một số được trang bị mặt nạ phòng độc, đáp trả bằng cách bắn loạn xạ vào các vị trí của quân Nga bên ngoài. Sau 30 phút, khi khí gas phát huy tác dụng, một cuộc tấn công vào nhà hát bắt đầu. Lực lượng tổng hợp tiến vào qua những lỗ hở của tòa nhà, bao gồm mái nhà, tầng hầm và cuối cùng là cửa trước.
Ngay sau khi tay súng cuối cùng bị tiêu diệt, lính đặc nhiệm Nga bắt đầu đưa các con tin ra cửa và chuyển đến bệnh viện.
Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 26/10/2002, nhà chức trách Nga ra thông báo rằng nhà hát Dubrovka đã hoàn toàn được kiểm soát và thủ lĩnh khủng bố Movsar Baraev đã bị tiêu diệt.
Lúc 7h, lực lượng cứu hộ bắt đầu đưa thi thể các con tin ra khỏi nhà hát.với xe cứu thương đã túc trực sẵn. Khoảng 130 con tin đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong vụ đột kích đẫm máu tại nhà hát trung tâm ở Moscow.
Nhiều ngày sau thảm kịch, rất nhiều người dân tập trung gần tòa nhà nhà hát Dubrovka để tưởng nhớ, thắp nến và cầu nguyện cho những người xấu số. Cho tới nay, dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng những ký ức về thảm kịch kinh hoàng tại nhà hát Dubrovka vẫn gần như nguyên vẹn trong tâm trí của người dân Nga nói chung và thủ đô Moskva nói riêng.
_______________
Năm 1995, một bệnh viện ở miền nam nước Nga đã bị quân ly khai Chechnya chiếm và bắt giữ với hàng ngàn con tin. Đó là một trong những thảm kịch tồi tệ khác xảy ra ở Nga mà chúng ta sẽ cùng nhìn lại trong kỳ tiếp theo đăng vào sáng sớm 29/3/2024.