3 phẩm chất thường có ở những người đoạt giải Nobel

25/03/2023, 07:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sự đổi mới, khác biệt và cố gắng đạt kết quả đột phá là 3 phẩm chất thường thấy ở những người đoạt giải Nobel.

Giải thưởng Nobel là ước mơ của nhiều nhà khoa học. Ảnh: Crux Now.

Forbes nhận định người sở hữu 3 phẩm chất nêu trên có khả năng vượt qua mọi trở ngại và vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực của họ. Đây cũng được xem là hành trang quý báu mà các nhà lãnh đạo nên học hỏi.

Không gò bó trong một suy nghĩ

Ông Andre Geim, giáo sư nghiên cứu tại Hiệp hội Hoàng gia tại Đại học Manchester, là ví dụ điển hình cho việc dám thử nghiệm cái mới. Ông giành giải thưởng Nobel nhờ thực hiện các thí nghiệm đột phá với vật liệu 2 chiều graphene - loại vật liệu dày gồm một lớp nguyên tử có nguồn gốc từ than chì.

Nhiều người thường nghĩ việc tập trung cao độ vào một vấn đề hoặc con đường sự nghiệp sẽ quyết định đến khả năng thành công. Bản thân chỉ cần dốc sức lực, tập trung thì một ngày nào đó sẽ lên đến đỉnh cao sự nghiệp. Song, sự nghiệp của giáo sư Geim là ngoại lệ so với cách tiếp cận đó. Phần lớn thành công của ông Geim bắt nguồn từ tư duy đường vòng (lateral thinking).

"Vì nền tảng kiến thức khá đa dạng và ở trong các môi trường khoa học khác nhau, tôi thích nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác. Khi thực hiện những bước nhảy như vậy, bạn sẽ không bị mắc kẹt trong một lối suy nghĩ. Lúc này, bạn có thể sử dụng kiến thức từ các lĩnh vực khác, nó bắt đầu đến một cách tự nhiên. Kiến thức nền tảng như vậy đôi khi lại tạo nên sự khác biệt", ông Geim nói.

Tuy nhiên, không nhiều nhà lãnh đạo cho phép nhân viên của họ đi theo lối suy nghĩ đường vòng. Chẳng hạn, một nghiên cứu về IQ lãnh đạo cho thấy chỉ 20% nhà quản lý luôn khuyến khích nhân viên đổi mới, thử nghiệm và thực hiện những ý tưởng mới. Các nhà lãnh đạo thường có những mục tiêu cụ thể phải đạt được và điều này luôn đòi hỏi sự tập trung nhất định.

Trong khi đó, Forbes nhận định rằng việc trao cho nhân viên một chút quyền tự chủ để tìm các ý tưởng mới sẽ tạo ra bước đột phá lớn, có thể là chìa khóa để giữ chân và gắn kết nhân viên.

Forbes chỉ ra phong cách lãnh đạo mà nhân viên thích được làm việc cùng chính là chủ nghĩa lý tưởng, nó biểu hiện qua sự học hỏi và phát triển sâu rộng. Những người theo chủ nghĩa lý tưởng là người có nhiều năng lượng, tin tưởng vào tiềm năng tích cực của mọi người xung quanh; họ muốn học hỏi, phát triển và muốn những người khác trong nhóm cũng làm tương tự như vậy.

cach de doat giai Nobel anh 1
Cựu tổng thống Mỹ Obama từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009. Ảnh: New York Times.

Theo đuổi con đường ít người đi

Tiến sĩ Shuji Nakamura, người giành giải thưởng Nobel cho việc phát minh ra các điốt phát quang màu xanh giúp tạo nên nguồn ánh sáng trắng sáng và tiết kiệm năng lượng, là minh chứng cho hành động theo đuổi con đường ít người đi.

Vào những năm 1980, 2 loại vật liệu được ví như ứng viên hàng đầu để tạo ra đèn LED màu xanh lam là kẽm selenua và gallium nitride. Nhưng trước khi biết đến gallium nitride, kẽm selenua là phương án được các nhà khoa học ưu tiên nhiều hơn.

"Về cơ bản, tất cả nhà khoa học thời đó đều làm việc với kẽm selenua. Khi mọi người biết tôi làm việc với gallium nitride, họ nói tôi bị điên và là một nhà khoa học ngu ngốc", tiến sĩ Nakamura nói.

Ông Nakamura không chấp nhận quan niệm thông thường rằng kẽm selenua là cách duy nhất để tạo ra đèn LED xanh.

"Tôi thấy lĩnh vực kẽm selenua đã xuất bản rất nhiều bài báo. Trong khi đó, rất ít bài báo về gali nitride được xuất bản. Vì vậy, tôi tự tin bản thân có thể xuất bản nhiều bài báo ở lĩnh vực này", ông Nakamura nhấn mạnh.

Forbes nhận định ông Nakamura đã nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy sự nghiệp bằng cách đi lệch khỏi sự hiểu biết thông thường. Rõ ràng, rất khó để tạo ra sự khác biệt cho bản thân nếu làm theo lối mòn của nhiều người, đặc biệt khi không ở gần người đứng đầu.

Trong bài kiểm tra trực tuyến Điều gì thúc đẩy bạn?, trang Forbes phát hiện gần 1/4 số người được thúc đẩy bởi sự ổn định. Họ thường không thích thay đổi và thích tính liên tục, nhất quán cũng như khả năng dự đoán trước tương lai.

Ngược lại, chỉ 8% số người được thúc đẩy bởi yếu tố phiêu lưu, mạo hiểm. Họ bị thúc đẩy nhờ sự rủi ro, thay đổi, không chắc chắn. Chính điều này giúp họ chớp lấy cơ hội để trở thành người đầu tiên làm điều mới mẻ.

Các giám đốc điều hành có khả năng bị thúc đẩy bởi yếu tố phiêu lưu cao hơn gấp đôi số liệu khảo sát ở nhân viên nêu trên. Forbes cho rằng việc đi theo con đường đã định sẵn, có thể giúp một người trở thành nhà quản lý thành công. Thế nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại (hoặc giành giải thưởng Nobel), người đó cần phải theo đuổi con đường ít người đi hơn.

Lắng nghe cả những nhận xét "xấu"

Tiến sĩ Michael Houghton, nhà virus học thuộc khoa Y và Nha khoa, Giám đốc Viện Virus học Ứng dụng Li Ka Shing tại Đại học Alberta, đã giành giải Nobel nhờ phát hiện ra virus viêm gan C (HCV). Trước khi xuất bản các bài báo trên tạp chí khoa học để đoạt giải thưởng Nobel, ông thành lập một ủy ban đánh giá.

"Chúng tôi đã thành lập ủy ban đánh giá khoảng một năm trước khi xuất bản. Sáu thành viên trong nhóm bị hoài nghi rất nhiều. Khi thành lập ủy ban đánh giá chuyên gia, tôi rất ngạc nhiên vì mọi người đều không tin nhóm tôi đã phát hiện ra virus", ông Houghton nói.

Forbes cho rằng mọi người cần có can đảm để tìm kiếm những người không tin vào tài năng của mình - vì ai cũng thường muốn nghe phản hồi tích cực hơn là mang tính xây dựng.

Trên thực tế, trong một nghiên cứu về phát triển khả năng lãnh đạo, Leadership IQ phát hiện chỉ 27% nhân viên nói rằng lãnh đạo của họ luôn khuyến khích và ghi nhận các đề xuất cải tiến. Tuy nhiên, lãnh đạo không phải lúc nào cũng thoải mái. Các nhân viên phải đưa ra giải pháp tốt nhất có thể, ngay cả khi điều đó nhận về những lời chỉ trích gay gắt.

Nghiên cứu Tại sao các CEO bị sa thải cho thấy một trong 5 lý do hàng đầu khiến các giám đốc điều hành mất việc là họ không chấp nhận được tin xấu về sản phẩm hoặc công ty của họ. Theo các nhà lãnh đạo vĩ đại, việc trực tiếp nghe tin xấu sẽ tốt hơn nhiều so với tiến về phía trước với một kế hoạch không được cân nhắc kỹ lưỡng hoặc không chính xác.

Bài liên quan
Nhà khoa học đạt giải Nobel vì tìm ra insulin cứu người tiểu đường
(GDTĐ) - Nhờ phát hiện ra insulin, nhà khoa học này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh bị tiểu đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 phẩm chất thường có ở những người đoạt giải Nobel