Chính quyền quân sự của Burkina Faso, Mali và Niger vừa gửi thư lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để cáo buộc Ukraine hỗ trợ các nhóm phiến quân ở vùng Sahel của Tây Phi.
Lãnh đạo Mali, Niger và Burkina Faso chụp ảnh chung trong hội nghị thượng đỉnh Liên minh các quốc gia Sahel (AES) tại Niamey, Niger, ngày 6/7. (Ảnh: Reuters)
Đầu tháng này, Mali cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, sau phát biểu của người phát ngôn cơ quan tình báo quân sự Ukraine về cuộc giao tranh ở miền bắc Mali, khiến nhiều binh lính Mali và thành viên lực lượng quân sự tư nhân Wagner thiệt mạng.
Vài ngày sau, chính quyền quân sự Niger cũng cắt đứt quan hệ với Ukraine để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia láng giềng.
Mâu thuẫn xảy ra sau khi người phát ngôn cơ quan tình báo quân sự Ukraine nói rằng phiến quân Mali nhận được "thông tin cần thiết" để tiến hành cuộc tấn công vào tháng 7.
Phiến quân Tuareg cho biết họ đã giết chết ít nhất 84 thành viên Wagner và 47 binh lính Mali trong nhiều ngày giao tranh ác liệt. Đây được đánh giá là thất bại nặng nề nhất của Wagner kể từ khi lực lượng này vào Mali cách đây 2 năm để hỗ trợ chính quyền quân sự đối phó với phiến quân.
Mali và Niger cáo buộc Ukraine hỗ trợ "chủ nghĩa khủng bố quốc tế". Kiev bác bỏ, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ và không đúng sự thật. Phiến quân Tuareg cũng khẳng định không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ Ukraine.
Trong bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các ngoại trưởng của Mali, Niger và Burkina Faso kiến nghị cơ quan này có biện pháp đối với hành động của Ukraine và ngăn chặn "những hành vi phá hoại" đe dọa đến ổn định của khu vực và châu lục.
Cuối ngày 20/8, một bản sao của bức thư được đăng lên trên tài khoản mạng xã hội X của nhóm mang tên Liên minh các quốc gia Sahel mà Burkina Faso, Mali và Niger thành lập sau cuộc đảo chính.
Các nhà ngoại giao cho biết, bức thư đã được lưu hành trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên từ tối 21/8.
Bộ Ngoại giao Ukraine chưa trả lời đề nghị bình luận.
Từ khi có chính quyền quân sự, Burkina Faso, Mali và Niger quay lưng với phương Tây để ủng hộ Nga.