Theo Tiến sĩ Hong Huifeng, Trưởng khoa Tim mạch của Bệnh viện Sun Kong (Đài Loan, Trung Quốc): “Tuần hoàn máu kém có thể dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Trong y học gọi là sự suy giảm tuần hoàn máu - một kiểu rối loạn lưu thông máu xảy ra tại mọi cơ quan trong cơ thể.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tuần hoàn máu kém. Như lười vận động, làm việc quá sức, nghỉ ngơi không hợp lý, ăn uống thiếu lành mạnh, áp lực kéo dài, hút thuốc, béo phì… Tuần hoàn máu kém cũng có thể vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của các bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…”
Đặc biệt, Tiến sĩ Hong Huifeng cảnh báo rằng mùa lạnh dễ dẫn tới suy giảm tuần hoàn máu. Đồng thời, làm tăng nguy cơ mắc, làm trở nặng các biến chứng tim mạch, đột quỵ do tuần hoàn máu kém.
Có nhiều lý do khiến tuần hoàn máu kém hơn vào mùa lạnh. Trong đó, Tiến sĩ Hong Huifeng đưa ra các yếu tố nổi bật như:
- Bản thân nhiệt độ thấp khiến cho máu đặc hơn nên khó lưu thông hơn.
- Trời lạnh làm mạch máu dễ co lại dẫn tới tuần hoàn máu suy giảm, nhất là ở những người có bệnh lý nền liên quan, giữ ấm kém.
Mùa lạnh do nhiệt độ thấp và thói quen ít vận động dễ khiến tuần hoàn máu dễ bị suy giảm (Ảnh minh họa)
- Thời tiết lạnh khiến một số thành phần trong máu như hồng cầu, tiểu cầu thay đổi nồng độ làm tăng nguy cơ đông máu.
- Trời lạnh còn làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mùa lạnh huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg. Cùng với nhiệt độ thấp khiến nhu cầu oxy cho tim cũng tăng lên, tim cũng phải làm việc nhiều hơn, tăng nhịp tim để giữ ấm. Từ đó dẫn tới dễ quá tải, tổn thương mạch máu và tuần hoàn máu bị ảnh hưởng.
- Trời lạnh khiến chúng ta thường có xu hướng uống ít nước hơn, lười vận động hơn. Từ đó gây khó khăn cho tuần hoàn máu.
Tiến sĩ Hong Huifeng nhắc nhở rằng: “Có nhiều biện pháp để cải thiện tuần hoàn máu, nhất là vào mùa lạnh mà chúng ta có thể làm theo. Ví dụ như chú trọng giữ ấm, uống nước đúng cách, làm việc và nghỉ ngơi khoa học, cải thiện tâm trạng, vận động vừa phải và ăn uống lành mạnh…”
Nói về những thực phẩm giúp cải thiện tuần hoàn máu, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Ma Fengyin (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, chế độ ăn uống giống như “dao hai lưỡi” với sức khỏe mạch máu. Có thực phẩm gây hại cho chúng nhưng cũng có những thực phẩm giúp tăng cường tuần hoàn máu, phòng bệnh tim mạch.
“Vào mùa lạnh, việc bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch rất quan trọng. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều người bồi bổ quá mức hoặc nuông chiều sở thích ăn uống của bản thân hơn. Điều này có thể gây hại cho mạch máu, nhất là nếu bạn ăn quá nhiều chất béo, đồ ngọt, thịt đỏ…” - Tiến sĩ Ma Fengyin nói.
Bà cũng gợi ý 3 thực phẩm nên ăn nhiều hơn vào mùa đông để cải thiện tuần hoàn máu, đó là:
Hành tây
Tiến sĩ Ma Fengyin giải thích rằng: “Hành tây có chứa quercetin, có chức năng chống oxy hóa và bảo vệ mạch máu khỏi bị hư hại. Hơn nữa, diallyl sulfide - một loại sunfua độc nhất của hành tây, sẽ bị phân hủy bởi enzyme alliinase khi tiếp xúc với không khí và chuyển thành allicin. Chất này có thể làm cho máu lưu thông trơn tru hơn và ức chế đông máu. Đồng thời có thể ngăn ngừa các bệnh như tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim và nhồi máu não”.
Hành tây ở mọi màu sắc đều chứa các chất tốt cho tuần hoàn máu và tim mạch nói chung (Ảnh minh họa)
Allicin cũng có trong tỏi, nên bạn có thể bổ sung loại củ này bên cạnh hành tây để cải thiện tuần hoàn máu. Tuy nhiên, với tỏi thì nên ăn sống để nhận được tối đa chất này, nhưng không nên ăn quá nhiều để tránh tác dụng phụ. Hành tây và tỏi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giữ ấm và tăng cường miễn dịch trong mùa lạnh.
Quả óc chó
Nhiều người cho rằng quả óc chó chỉ tốt cho trí não mà không biết rằng nó cũng là “máy gia tốc” tuần hoàn máu.
Quả óc chó cực kỳ bổ dưỡng và giàu chất dinh dưỡng tốt cho mạch máu. Quả óc chó chứa 2172 mg arginine trên 100 gram. Chúng cũng rất giàu vitamin, khoáng chất và axit béo không bão hòa, chẳng hạn như "axit linoleic" và "axit α-linolenic".
Tiến sĩ Ma Fengyin cho biết: “Sau khi Arginine được cơ thể chuyển hóa sẽ tạo ra oxit nitric, có tác dụng lên các tế bào nội mô mạch máu làm giãn cơ trơn mạch máu, làm giãn mạch máu và giảm sức cản mạch máu. Từ đó có thể cải thiện tuần hoàn máu, phục hồi tổn thương mạch máu và bảo vệ hệ tim mạch. Tuy nhiên, vì óc chó cũng giàu chất béo nên cần ăn điều độ, mỗi ngày 6 - 8 quả là đủ”.
Cá biển
Theo giải thích từ Tiến sĩ Ma Fengyin, tất cả các loại cá đều mang lại những lợi ích sức khỏe ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu phải chọn ra nhóm cá có tác động tích cực tới hệ tim mạch, đặc biệt là cải thiện hệ tuần hoàn máu thì đó là cá biển, nhất là cá biển sâu. Bởi vì chúng rất giàu axit béo không bão hòa.
“Trong cá biển sau có nhiều loại axit béo Omega-3 tốt cho mạch máu như axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Các axit béo không bão hòa này có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ tế bào nội mô mạch máu. Đặc biệt là giúp làm loãng máu, giảm huyết áp và ức chế sự hình thành huyết khối. Nó cũng tốt cho trái tim, từ đó giúp cho quá trình bơm máu từ tim thuận lợi hơn và cải thiện tuần hoàn máu, giảm bệnh tim mạch”.
Nên ăn cá, nhất là cá biển giàu Omega-3 thường xuyên, nhất là vào mùa đông để tim mạch khỏe mạnh (Ảnh minh họa)
Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên ăn ít nhất 2 bữa cá, tương đương khoảng 340g cá/tuần. Để cải thiện tuần hoàn máu, phòng bệnh tim mạch thì càng nên ưu tiên các loại cá biển sâu giàu Omega-3 như: cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá trích, cá bơn… Đặc biệt là trong mùa lạnh khi nhiệt độ thấp tác động tiêu cực tới tuần hoàn máu.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Eat This, webMD