Biểu hiện của những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn có thể kể đến như: Thức ăn trong bát vẫn chưa ăn hết đã vội đòi ăn những món ăn khác; Khi đến công viên, vừa nhìn thấy trò chơi yêu thích đã lập tức chạy đến đòi chơi trước, bất chấp các bạn khác đang xếp hàng rất trật tự; Tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, khi nhận ra mình không thể làm được, trẻ lập tức từ bỏ, không tiếp tục cố gắng phấn đấu; Không tuân theo các quy định như xếp hàng…; Làm việc thiếu kế hoạch cụ thể, muốn làm thì làm, không muốn làm thì sẵn sàng từ bỏ...
Việc này phải được rèn luyện ngay khi trẻ còn nhỏ. Một số cách cha mẹ có thể áp dụng như: Khi bắt đầu làm quen với một hoạt động mới, cần yêu cầu trẻ làm việc phải hoàn chỉnh; Tạo ra một số trở ngại nhất định và tạo điều kiện để trẻ vượt qua khó khăn đó. Khi cố gắng vượt qua khó khăn, trẻ sẽ rèn luyện tính kiên nhẫn, ý chí của mình; Bồi dưỡng đam mê cho trẻ. Những đứa trẻ càng có nhiều đam mê thì càng dễ hình thành tính kiên nhẫn; Cha mẹ có thể chủ động tạo ra các trò chơi, hoạt động tăng khả năng tập trung của trẻ như xếp hình, ghép tranh, tìm lỗi sai…
Nhiều trẻ nhỏ thường cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mọi người phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho trẻ. Nếu cứ có những suy nghĩ này thì trẻ sẽ lớn lên trở thành người vô trách nhiệm. Do đó, ngay từ bây giờ, bạn cần dạy cho trẻ hiểu được giá trị của việc sống có trách nhiệm với hành động của mình thông qua những biện pháp giáo dục tích cực.
Người sống có trách nhiệm chính là người hoàn thành bổn phận của chính mình trong gia đình, xã hội. Họ là những người có ý thức trước những hành động của mình. Vì thế, họ sẽ thừa nhận, xin lỗi và sửa đổi khi họ biết mình phạm lỗi. Đối với những người không có trách nhiệm, khi làm sai, thay vì nhận lỗi, họ sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Một số lời khuyên để cha mẹ dạy bé về trách nhiệm: Giao cho trẻ nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi; Hãy làm gương cho trẻ; Dạy trẻ biết cách làm việc trước khi hưởng thụ; Diễn đạt mọi thứ theo hướng tích cực...
Những đứa trẻ thích gì làm đấy thường không có thói quen lập kế hoạch. Điều này khiến con có thể bị bỏ lỡ những đầu việc quan trọng. Khi làm mọi việc chỉ theo sở thích, trẻ sẽ khó mà học được tính kiên nhẫn, không có sự sắp xếp chu toàn, ảnh hưởng đến công việc trong tương lai.
Việc rèn cho trẻ kỹ năng lập kế hoạch là rất quan trọng. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ vừa dễ đạt thành công trong học tập, vừa có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Đây là kỹ năng tư duy giúp trẻ phát triển các chiến lược để hoàn thành mục tiêu, và giúp trẻ suy nghĩ các bước cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ trước khi bắt đầu.
Một số mẹo hay cha mẹ có thể làm để rèn cho con: trao quyền cho trẻ tự quyết định một số việc cá nhân đơn giản; giúp trẻ biết cách tự lập kế hoạch trong từng giai đoạn; Tham gia làm việc nhà phù hợp từng độ tuổi giúp các con không gặp bỡ ngỡ khi tự chăm sóc bản thân.